Đánh thức Tây Nguyên

Tây Nguyên hùng vĩ vẫn chờ được đánh thức

Tây Nguyên cần chiếc chìa khóa để giải mã những khó khăn, rào cản trong đầu tư nhằm phát huy các tiềm năng to lớn. Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên với chủ đề “Tây Nguyên - Thức dậy những tiềm năng” được kỳ vọng là chiếc chìa khóa để giải mã những khó khăn, rào cản trong đầu tư để Tây Nguyên.
Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên với chủ đề “Tây Nguyên - Thức dậy những tiềm năng”  khai mạc ngày 5/9 tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được kỳ vọng là chiếc chìa khóa để giải mã những khó khăn, rào cản trong đầu tư để Tây Nguyên có thể phát huy được các tiềm năng to lớn.

Thu hút đầu tư tỷ lệ nghịch với tiềm năng

Tây Nguyên có 1,36 triệu ha đất đỏ bazan, chiếm hơn 66% diện tích đất bazan của cả nước, phù hợp với các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày như cà phê, cao su, tiêu, điều... Vì vậy, nền nông nghiệp ở Tây Nguyên đang phát triển theo hướng hàng hóa, chủ yếu phục vụ xuất khẩu (kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD mỗi năm). Độ che phủ rừng ở vùng này hiện vẫn cao nhất nước 58%.

Tài nguyên khoáng sản ở Tây Nguyên không phong phú lắm nhưng lại phân bổ tập trung với trữ lượng lớn như than bùn, than nâu, cao lanh, puzơlan. Đặc biệt là quặng bauxite có trữ lượng khoảng 4,5 tỷ tấn, chiếm 91% trữ lượng bauxite của cả nước được phân bố chủ yếu ở Đắk Nông và Lâm Đồng.

Hiện có 2 dự án khai thác bauxite đã và đang được triển khai là Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông). Các dự án bauxite đang được kỳ vọng sẽ là một trong những động lực lớn để phát triển kinh tế-xã hội cho vùng Tây Nguyên.

Các hệ thống sông chính của Tây Nguyên gồm Sê San, Sêrêpôk, sông Ba, sông Đồng Nai theo khảo sát có thể sản xuất được khoảng 17 tỷ kWh điện. Dự kiến đến năm 2010 các công trình thủy điện được xây dựng ở vùng Tây Nguyên sẽ đạt công suất khoảng 5.000MW, chiếm 25% tổng công suất các nguồn điện của cả nước.

Với nền văn hóa độc đáo, trong đó không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, cùng với những cảnh quan thiên nhiên, sinh thái đa dạng… Tây Nguyên được đánh giá là vùng giàu có về tiềm năng du lịch.

Tuy vậy, những thành tựu về kinh tế đạt được của vùng đất này trong thời gian qua vẫn còn quá khiêm tốn và nhỏ bé. Đây vẫn là khu vực nghèo nhất nước, thu ngân sách chỉ đáp ứng được 40% dự toán chi của địa phương.

Từ 2001-2008, số dự án đầu tư mà Tây Nguyên thu hút được chỉ chiếm khoảng 1,4% tổng số dự án của cả nước; tổng số vốn đầu tư phát triển mà vùng Tây Nguyên thu hút được trong giai đoạn này chỉ đạt 109.000 tỷ đồng, chiếm chưa đến 0,5% tổng vốn thu hút đầu tư của cả nước.

Đặc biệt, trong năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009 Tây Nguyên gần như đứng ngoài dòng tăng trưởng thu hút vốn đầu tư FDI của cả nước. Du lịch vẫn chủ yếu kinh doanh ở dạng “ăn xổi” vào vốn tự có.

Phần lớn sản phẩm nông nghiệp đều xuất dưới dạng nguyên liệu thô nên gia trị kinh tế mang lại thấp. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, việc bán sản phảm thô đã làm mất đi khoảng 35% giá trị hàng hóa.

Đầu tư vào Tây Nguyên - không chỉ cần tiền

Tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên được tổ chức ở thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), các tỉnh Tây Nguyên đã đưa ra 120 dự án để kêu gọi đầu tư với tổng vốn trên 100.000 tỷ đồng.

Riêng trong năm 2009 đến 2010, theo ông Nguyễn Bích Đạt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư thì nhu cầu vốn để phát triển Tây Nguyên cần khoảng 35-40.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được khoảng 35%, số còn lại phải được huy động từ các nguồn vốn đầu tư khác như ODA, FDI…

Mặt khác, để thu hút các nhà đầu tư vào Tây Nguyên thì vùng này cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và rào cản cho doanh nghiệp. Trong đó, khó khăn chủ yếu là cơ sở hạ tầng khiến các nhà đầu tư nhụt chí.

Bên cạnh đó, còn vô số khó khăn khác như cơ chế chính sách, thủ tục hành chính phê duyệt dự án quá nhiêu khê, quan liêu, chậm chạp; đội ngũ lao động tại chỗ vừa thiếu, vừa yếu về trình độ, kể cả lao động giản đơn, khiến các chủ đầu tư khó khăn trong việc kiếm được đủ số người người đáp ứng điều kiện.

Về tầm vĩ mô, theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện Tây Nguyên vẫn chưa đưa ra được một chiến lược phát triển một cách bài bản. Điều này khiến nền kinh tế vùng này chủ yếu vẫn phát triển theo hướng tự phát, không theo quy hoạch, kế hoạch dài hơi; chậm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất .

Ngoài ra, còn rất nhiều khó khăn, rào cản khiến các nhà đầu tư không mặn mà với Tây Nguyên như quảng bá hình ảnh kém, công tác giải phóng mặt bằng chậm, sự nhạy cảm về chính trị-xã hội…

Thứ trưởng Nguyễn Bích Đạt đã đưa ra 6 giải pháp, cũng là những vấn đề mà các tỉnh Tây Nguyên cần thực hiện tốt để làm đòn bẩy thu hút đầu tư.

Giải pháp trước hết là rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển ngành để cụ thể hóa cá chiến lược; tận dụng và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách ưu đãi về phát triển kinh tế-xã hội mà Chính phủ dành riêng cho Tây Nguyên.

Tây Nguyên cần đa dạng hóa các nguồn đầu tư và các hình thức thu hút vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu về vốn đầu tư phát triển; cải thiện môi trường đầu tư; lựa chọn cơ cấu đầu tư cho phù hợp với tiềm năng lợi thế của vùng, tránh đầu tư tràn lan để phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tỉnh cũng cần tập trung tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ riêng phù hợp với điều kiện của mỗi tỉnh./.

Việt Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục