Doanh nghiệp tại TP.HCM giữ tốc độ tăng trưởng

Dù bị ảnh hưởng bởi biến động của kinh tế thế giới và trong nước nhưng nhiều doanh nghiệp đã vượt khó, tích cực sản xuất kinh doanh.
Trong 8 tháng qua, mặc dù liên tục bị ảnh hưởng bởi những biến động bất lợi của nền kinh tế thế giới và trong nước nhưng nhiều doanh nghiệp, tổng công ty trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt khó, tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp đã giữ vững tốc độ tăng trưởng, chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, tự tiết giảm chi phí trong nội bộ doanh nghiệp… góp phần đưa nền kinh tế phát triển ổn định, đồng thời đối phó với những diễn biến cuối năm.

Theo báo cáo của Tổng công ty Samco, trong 8 tháng đầu năm, do ảnh hưởng động đất, sóng thần Nhật Bản nên nguồn cung ứng xe nhập khẩu nguyên chiếc bị giảm mạnh, đặc biệt là Toyota và Nissan, gây khó khăn lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Ngoài ra, xe nền để sản xuất thành ôtô nguyên chiếc cũng bị giảm lượng cung ứng.

Trong tám tháng, ước đạt doanh thu 7.500 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch cả năm, 4 tháng còn lại cuối năm đơn vị phải cố gắng đạt 90% kế hoạch mỗi tháng thì mới hoàn thành kế hoạch cả năm nay.

Ông Đào Xuân Đức - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Satra cho biết, tám tháng đầu năm đơn vị đạt 70% kế hoạch cả năm, bán ra 19.000 tấn hàng hóa bình ổn giá gồm thực phẩm chế biến, thịt gia súc, gia cầm, dầu ăn… theo chủ trương bình ổn giá cả của Thành phố; nhờ Satra áp dụng nhiều biện pháp như cơ cấu lại đầu tư, tạm dừng một số dự án nhà ở, cao ốc để đầu tư mạnh cho hệ thống bán lẻ.

Không chỉ đạt kết quả tốt trong 8 tháng, Satra còn chủ động lên kế hoạch trong thời gian tới, luôn chủ động nguồn hàng, dự trữ 29.520 tấn hàng hóa các loại với tổng giá trị gần 1.400 tỷ đồng để chuẩn bị bình ổn giá trong dịp Tết.

Trong khó khăn, các doanh nghiệp không chỉ đảm bảo tốc độ tăng trưởng, nâng chất lượng, năng suất lao động mà còn phải chăm sóc người tiêu dùng tốt hơn bằng cách tăng khuyến mãi. Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn Coop cho biết sẽ chi 50 tỷ đồng để khuyến mãi cho người tiêu dùng trong tháng Chín, đây được xem là tháng chi nhiều nhất của Sài Gòn Coop so với những tháng trước trong năm.

Đại diện khối doanh nghiệp Trung ương ngành công thương tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 8 tháng tổng mức bán lẻ toàn ngành tăng hơn 20%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 56,5 tỷ USD, đóng góp hơn 30% cho cả nước. Tình hình khó khăn nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu tăng cao nhờ giá các mặt hàng xuất khẩu tăng, đặc biệt là nông sản (càphê, cao su, sắn, hạt điều nhân).

Trong khi đó, tỷ trọng nhập siêu vẫn còn cao, dù vậy các mặt hàng nhập khẩu chủ lực của Thành phố cũng đều là những mặt hàng cần thiết. Tính đến 15/8, nhập siêu còn khoảng 10% so với chỉ tiêu của Chính phủ là 18%, đây cũng là điều đáng phấn khởi. Từ nay đến cuối năm nhu cầu nhập khẩu tăng lên, nhập siêu sẽ lớn hơn nhưng vẫn nằm trong khoảng dưới 16%.

Nếu hoạt động của nhóm thương mại xuất khẩu có tăng trưởng cao, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thì các doanh nghiệp vận tải, kho cảng… lại gặp nhiều khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay trong khi nhu cầu nhập khẩu các trang thiết bị vẫn còn cao.

Tuy nhiên, lãi suất ngân hàng vẫn còn cao nên hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn trong hoạt động kinh doanh những tháng cuối năm 2011.

Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bối cảnh chung hiện rất khó khăn cho các doanh nghiệp, đa số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, riêng ngành da giày chỉ 30% doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, 10% doanh nghiệp đã phá sản và 60% còn lại là những doanh nghiệp hoạt động yếu kém và trung bình. Đến các doanh nghiệp có thương hiệu lớn từ trước đến nay cũng đang phải gồng mình để trả nợ ngân hàng.

Sắp tới đây, ngành may mặc và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng gặp khó khăn, không có gì đảm bảo đủ nguyên liệu để tiếp tục sản xuất. Do đó, kiến nghị Thành phố cần có tiếng nói với Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng thiết yếu và sản xuất trong ngành nông nghiệp được ưu đãi vay vốn với lãi suất thấp.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho rằng, trước tình hình biến động kinh tế thế giới và trong nước nhưng những kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng Tám và tám tháng đầu năm 2011 đã thể hiện trách nhiệm, ý thức các doanh nghiệp tại Thành phố và các doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn.

Hầu hết các Tổng công ty, doanh nghiệp đều vượt qua ngưỡng 50% kế hoạch, chỉ số CPI tháng 8 tăng thấp nhất trong tám tháng đầu năm cũng thể hiện sự đồng tâm của các doanh nghiệp, chấp hành đúng chỉ đạo của Nhà nước.

Bốn tháng cuối năm là giai đoạn nước rút, các doanh nghiệp cần tập trung sản xuất kinh doanh hoàn thành kế hoạch đề ra, góp phần đưa nền kinh tế Thành phố phát triển ổn định. Tình hình kinh tế thế giới trong năm tới có thể sẽ còn nhiều khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động để ứng phó kịp thời với những khó khăn, dồn sức chuẩn bị cho năm tới./.

Việt Âu (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục