Những phát minh góp phần thay đổi cuộc sống

Thư điện tử, giấy ghi nhớ, máy rửa bát, diêm, bút chì,... là những phát minh đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của toàn nhân loại.
Trí tưởng tượng của các nhà nghiên cứu, sáng chế, chuyên gia thiết kế... đã góp phần thay đổi cuộc sống của toàn nhân loại và đang tiếp tục chắp cánh cho những ước mơ hiện tại trở thành sự thật trong tương lai.

Giấy bóng kính xenlôfan

Xenlôfan được một kỹ sư ngành dệt may người Thụy Sỹ tên là Jacques E. Brandenberger phát minh năm 1908. Khi đó Brandenberger đang ăn trưa tại một nhà hàng và chứng kiến một thực khách làm đổ rượu ra khăn trải bàn. Khi người hầu bàn thay tấm khăn thì ông quyết định sẽ tìm ra một loại phim trong suốt tráng lên mảnh vải để chống thấm nước.

Thư điện tử

Kỹ sư vi tính Ray Tomlinson đã phát minh ra thư điện tử được truyền phát qua mạng ARPANet cuối năm 1971. ARPANet là mạng Internet đầu tiên cho phép gửi thư giữa những người sử dụng máy tính khác nhau. Trước đó, những người nhận thư chỉ có thể đọc tin nhắn từ chính máy tính của người đã viết tin và để lại tin nhắn.

Ông Tomlinson dùng ký hiệu @ để phân biệt các máy tính và kể từ đó ký hiệu này xuất hiện trên các địa chỉ thư điện tử. Bức thư điện tử đầu tiên trên thế giới “QWERTYUIOP” chính là bức thư ông Tomlinson gửi thử lần đầu. Vì chưa thể hình dung thư điện tử lại thành công như bây giờ, khi đó, ông đã dặn một đồng nghiệp: “Đừng nói với ai. Đây không phải là điều chúng tôi định làm."

Giấy ghi nhớ

Hồi đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, khi đang tìm một cái gì đó để đánh dấu sách cho quyển thánh ca của mình, Fry để ý thấy một đồng nghiệp tại công ty 3M, tiến sỹ Spencer Silver, đã chế được một loại keo dính khá chắc nhưng lại không để lại chút chất dính nào sau khi gỡ bỏ. Fry đã lấy một chút keo dính đó và bôi lên rìa một tờ giấy. 3M Corporation sau đó đã đặt tên cho cái đánh dấu sách của Fry là “Post-it note", tức là giấy ghi nhớ và bắt đầu sản xuất để bán từ cuối thập niên 1970.

Máy rửa bát

Năm 1886, Josephine Cochran tuyên bố xanh rờn: “Nếu không ai phát minh ra máy rửa bát, tôi sẽ tự làm." Rốt cuộc, bà đã làm được điều này. Chiếc máy rửa bát của bà Josephine Cochran ban đầu được vận hành bằng tay. Bà đã thành lập một công ty chuyên sản xuất máy rửa bát và sau đó tạo dựng nên thương hiệu KitchenAid, có nghĩa là “giúp việc bếp núc."

Diêm

Năm 1827, John Walker, nhà hóa học người Anh, đã phát hiện ra rằng phết một loại hóa chất lên đầu một chiếc que, khi hóa chất này khô, nó có thể tạo ra lửa nếu quẹt vào bất cứ đâu. Đây là những que diêm tạo ra lửa theo cách tạo ma sát đầu tiên. Tuy nhiên, ông Walker lại không đăng ký bản quyền cho que diêm của mình mà ông đặt tên là “Congreves." Một lần Samuel Jones nhìn thấy diêm “Congreves” của Walker và gọi chúng là “Lucifers." Mặc dù phát ra mùi không được dễ chịu khi cháy, nhưng những que diêm này đã được sử dụng rất phổ biến, đặc biệt là những người hút thuốc lá.

Giày trượt pa-tanh Rollerblades

Vào năm 1980, hai anh em nhà Olsen ở bang Minnesota, tên là Scott và Brennan Olsen, đã phát hiện đôi giày trượt một hàng bánh kiểu cũ trong một cửa hàng dụng cụ thể thao và cùng có ý nghĩ rằng thiết kế này sẽ thật hoàn hảo cho việc luyện tập môn khúc côn cầu. Họ tự tay cải tiến đôi giày trượt và chẳng bao lâu sau đôi giày trượt patin với thương hiệu nổi tiếng sau này Rollerblades lần đầu ra đời tại chính tầng hầm của gia đình họ.

Bút chì

Bút chì được phát minh từ năm 1564 khi người ta phát hiện ra mỏ than chì lớn ở Borrowdale, Cumbria, Anh. Than chì được cưa thành tấm và từ tấm được cắt thành những que hình vuông và sau đó được ép vào trong vỏ bọc bằng gỗ làm thủ công, tạo thành bút chì. Năm 1795, một sỹ quan người Pháp trong quân đội Napoleon là Nicholas Jacques Conte đã đăng ký bằng sáng chế cho phương pháp sản xuất bút chì hiện đại, theo đó than chì trộn với đất sét được nghiền thành bột và ép thành các que than chì để làm bút chì.

Tã giấy

Marion Donovan là người mẹ trẻ trong kỷ nguyên bùng nổ dân số thời hậu chiến. Quá mệt mỏi với việc phải liên tục thay, giặt tã và chăn đệm, người mẹ này bất đắc dĩ phát minh ra “Boater," một miếng nhựa bọc ngoài tã vải. Bà đã làm ra chiếc Boater đầu tiên từ màn tắm. Một năm sau đó, bà đã đẩy ý tưởng ban đầu của mình tiến thêm một bước nữa khi sử dụng chất liệu thấm nước dùng một lần kết hợp với “Boater” bọc bên ngoài. Và chiếc tã lót dùng một lần tiện lợi đầu tiên đã ra đời. Marion Donovan không ngờ rằng bà đã có một “phát kiến vĩ đại” san sẻ gánh nặng cho hàng triệu bà mẹ trên khắp thế giới sau này.

Báo in hiện đại

Khi điện báo ra đời, các chủ báo nhận ra rằng nó sẽ có tác động sâu rộng đến tất cả các tờ báo. Họ cần phải đối mặt với tình huống này và phải sử dụng tin tức ra sao khi mà tin tức sẽ được truyền đi nhanh hơn bằng điện tín. Vào thời điểm đó, báo được in thủ công và tốc độ in tối đa là 400 tờ/giờ. Năm 1845, Richard March Hoe đã nghĩ ra máy in quay cho phép in báo với tốc độ in hàng trăm nghìn tờ/giờ.

Lò nướng điện

Nướng bánh mì ban đầu là cách để ăn bánh mì được lâu hơn. Đây là cách làm phổ biến của người dân dưới thời La Mã cổ đại và từ “tostum” trong tiếng Latinh có nghĩa là nóng hay cháy. Chiếc lò nướng bánh đầu tiên được công ty Crompton and Co của Anh sáng chế năm 1893 và sau đó nó được người Mỹ cải tiến. Tuy nhiên, lò nướng này cũng chỉ nướng được từng mặt của bánh mì mỗi lần và người nướng bánh phải đứng cạnh để tắt máy khi bánh nướng xong. Phải đến năm 1919, lò máy nướng bánh mì hẹn giờ và nướng cả hai mặt do Charles Strite sáng chế mới ra đời./.

Như Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục