Ban Chỉ đạo Tây Nguyên họp bàn sơ kết 6 tháng

Ngày 14/7, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2011, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Ngày 14/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2011.

Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh tiếp giáp với Tây Nguyên.

Phát biểu tại hội nghị, sau khi đánh giá cao những kết quả mà các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được, Đại tướng Lê Hồng Anh yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên từ nay đến cuối năm 2011 tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện có kết quả Nghị quyết 30a về hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với các huyện nghèo; thực hiện tốt hơn nữa Quyết định 167 của Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và các chính sách liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án, chương trình mục tiêu trọng điểm, cấp thiết ở các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng như các tỉnh tiếp giáp Tây Nguyên tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên môi trường, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sắp xếp lại hệ thống các lâm trường quốc doanh, sửa đổi cơ chế chính sách về rừng, đẩy mạnh giao khoán rừng đến hộ gia đình và cộng đồng; tiếp tục kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc cấp phép các dự án nông, lâm nghiệp, nhất là các dự án chuyển đổi nhiều diện tích rừng và ảnh hưởng đến không gian sinh sống của các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng cần tổ chức khảo sát, đánh giá toàn diện tình hình sản xuất, đời sống ở các vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, đề xuất các biện pháp nhằm tổ chức lại sản xuất, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện đất đai, hạ tầng, tập quán của đồng bào; khẩn trương rà soát, thống kê lại số hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất để có biện pháp giải quyết kịp thời, sớm quy hoạch, lập các dự án tạo quỹ đất dự phòng, nhanh chóng triển khai việc cấp đất cho những hộ thực sự thiếu đất sản xuất; rà soát, điều chỉnh lại việc quy hoạch phát triển thủy điện ở Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh đồng bằng giáp với Tây Nguyên.

Trước mắt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên tập trung giải quyết dứt điểm những tồn đọng về đền bù, tái định canh định cư ở các dự án thủy điện. Các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục chỉ đạo thu hẹp số thôn, buôn chưa có đảng viên, tổ chức đảng, đổi mới sinh hoạt, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng ở cơ sở, tăng cường công tác quy hoạch, tạo nguồn, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số.

Đại tướng cũng nhấn mạnh, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của toàn vùng Tây Nguyên (kể cả các địa phương tiếp giáp) từ nay đến cuối năm 2011, tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển sản xuất, giải quyết những vấn đề bức xúc về đất đai, việc làm, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn vùng cũng kịp thời phát hiện, ngăn chặn mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động, tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, giải quyết tốt vấn đề an ninh nông thôn...

Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm nay, kinh tế, xã hội toàn vùng Tây Nguyên phát triển ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP trên 12%. Tuy chịu tác động của nhiều yếu tố, nhất là việc thắt chặt tiền tệ tín dụng, tăng giá điện, xăng dầu, phân bón, sắt thép... nhưng các lĩnh vực sản xuất vẫn giữ được mức tăng ổn định. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và một số ngành dịch vụ chuyển biến tốt hơn so với năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng đạt 907 triệu USD, tăng 55,3%, thu ngân sách tăng 48,3% so cùng kỳ và đạt gần 60% so với kế hoạch năm 2011.

Tình hình thu hút đầu tư và thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước đạt khá. Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các chương trình, dự án về đầu tư xây dựng hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, giao khoán rừng, cho vay vốn tạo việc làm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Một số tỉnh đã tập trung củng cố mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm đến buôn làng, hình thành các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện đất đai, hạ tầng, tập quán của đồng bào, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hệ thống chính trị cơ sở của vùng Tây Nguyên có nhiều chuyển biến, nhất là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng các cơ sở đảng ở những địa bàn khó khăn, phức tạp, vùng sâu, vùng xa. Các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các tổ chức đoàn thể có nhiều tiến bộ trong việc bám dân, nắm tình hình, tăng cường trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất, chăm lo đời sống của dân, nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng cao, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững./.

Quang Huy-Việt Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục