Libya sẵn sàng thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn

Libya đưa ra tuyên bố sẵn sàng ngừng bắn với lực lượng nổi dậy, song muốn thảo luận về cách thức thực hiện trước khi quyết định.
Thứ trưởng Ngoại giao Libya Khaled Kaaim ngày 17/3 tuyên bố Libya sẵn sàng ngừng bắn với lực lượng nổi dậy chống chính phủ, song Tripoli muốn thảo luận về cách thức thực hiện trước khi quyết định.

Ông Kaaim đưa ra tuyên bố trên ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết cho phép thiết lập vùng cấm bay ở Libya đồng thời yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và chấm dứt mọi hành động bạo lực tại nước này.

Nghị quyết cho phép áp dụng "mọi biện pháp cần thiết," song loại trừ "lực lượng nước ngoài chiếm đóng," tức là đưa quân tham chiến trên bộ.

Nghị quyết này mở đường cho các cuộc không kích nhằm vào các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Libya Moamer Kaddafi đang tiến đến Benghazi, đại bản doanh của lực lượng nổi dậy ở miền Đông Libya, trong cuộc tổng tấn công giành lại quyền kiểm soát thành phố này.

Phản ứng về nghị quyết trên, ông Kaaim cho rằng nghị quyết "đe dọa sự thống nhất và ổn định của Libya, đồng thời thể hiện thái độ hiếu chiến của một số thế lực trong cộng đồng quốc tế."

Vài giờ trước khi Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết, người phát ngôn của Chính phủ Libya, ông Mussa Ibrahim cho rằng mọi hành động quân sự từ bên ngoài chống Tripoli sẽ là "bất hợp pháp và phi đạo đức" vì chính phủ Libya đang đấu tranh chống lại lực lượng nổi dậy có vũ trang. Ông nhấn mạnh hành động can thiệp quân sự từ bên ngoài gây tổn hại cho nhân dân Libya.

Bộ Quốc phòng Libya cảnh cáo rằng giải pháp này sẽ gây nguy hiểm đối với hoạt động giao thông đường không cũng như đường biển ở Địa Trung Hải cả trước mắt và lâu dài.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 17/3 đã ra tuyên bố ủng hộ nghị quyết của Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Libya, "nhằm chấm dứt mọi cuộc tấn công đổ máu và tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo."

Tổng thư ký cho biết các nỗ lực ngoại giao đang được xúc tiến.

Cùng ngày, EU tuyên bố sẵn sàng thực thi nghị quyết của Liên hợp quốc. Australia hoan nghênh nghị quyết này; Canada cho biết sẽ cử sáu máy bay chiến đấu CF-18 tham gia thực hiện nghị quyết.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ai Cập Menha Bakhoum cho biết nước này sẽ không dính dáng tới bất cứ can thiệp quân sự nào vào Libya.

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cũng khẳng định quân đội Đức sẽ không tham gia một chiến dịch quân sự ở Libya vì "rất nguy hiểm."

Đức là một trong năm nước đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Ngoại trưởng Westerwelle cho biết thêm quan điểm của Berlin đối với ông Kaddafi không thay đổi, theo đó ông này cần phải từ bỏ quyền lực và chịu trách nhiệm về tình trạng bạo lực vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục