Lao động đi nước ngoài: Chất cần đi đôi với lượng!

Thị trường lao động ngoài nước mở rộng, với số lượng lao động đưa đi hàng năm ngày càng tăng nhưng mặt còn yếu là chất lượng lao động chưa cao.
Phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng,” ngày 3/9, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, cái được lớn nhất sau 3 năm thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là thị trường lao động ngoài nước ngày càng được mở rộng. Số lượng lao động đưa đi hàng năm ngày càng tăng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận một thực tế là chất lượng lao động chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của các thị trường có thu nhập cao.

Nửa triệu người đi lao động xuất khẩu

Bộ trưởng Kim Ngân cho biết, hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó có những nước, vùng lãnh thổ nhận số lượng rất lớn lao động Việt Nam như Malaysia (90.000 người), Đài Loan (trên 80.000 người) và Hàn Quốc (khoảng 45.000 người).

Đến nay, đã có gần 30 doanh nghiệp Việt Nam tham gia với 50 hợp đồng tuyển chọn lao động cho các thị trường như Libya, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Algeria, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn quốc, Arập Xêút, Macau…

Trên 6.500 lao động các huyện nghèo thuộc 18 tỉnh đã đăng ký làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 6.000 lao động được tuyển chọn; đã tổ chức dạy nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho khoảng 4.500 lao động; trên 2.500 lao động đã xuất cảnh sang các thị trường như Libya, Malaysia, UAE, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Theo Bộ trưởng, cái được sau ba năm thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là thị trường lao động ngoài nước ngày càng được mở rộng. Số lượng lao động đưa đi hàng năm ngày càng tăng; chất lượng nguồn lao động xuất khẩu dần được nâng lên; công tác quản lý lao động ở nước ngoài được củng cố, tăng cường. Hệ thống các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phát triển, chủ động khai thác các loại thị trường.

Các doanh nghiệp đã quan tâm hơn trong công tác đào tạo nguồn lao động và quản lý lao động ở nước ngoài; một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các trường đào tạo có quy mô, đào tạo các nghề trình độ cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động quốc tế…

Chất lượng còn phải bàn

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kim Ngân cũng thừa nhận mặt còn yếu là chất lượng lao động chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của các thị trường có thu nhập cao.

Số lao động đi theo hợp đồng nhận thầu, trúng thầu và lao động công nghệ cao còn ít.

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, triển khai thị trường mới vẫn còn bất cập, việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong nước với cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài khi xử lý những phát sinh của thị trường còn chưa kịp thời.

Một điều đáng nói là hiện chưa có nhiều doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mạnh, phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, ít đầu tư vốn và nguồn nhân lực nên hoạt động chưa hiệu quả. Một số khác không chú trọng quản lý lao động làm việc ở nước ngoài, chậm phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh đối với người lao động, có trường hợp để kéo dài, gây hậu quả xấu.

Trong khi đó, công tác quản lý hoạt động tuyển chọn ở một số địa phương cũng chưa chặt chẽ; các bộ, ngành chức năng chưa chủ động đề xuất, xây dựng được chính sách hỗ trợ , đầu tư cho hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chưa có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, các chính sách hỗ trợ về đào tạo, tín dụng…

Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Kim Ngân cho hay sắp tới, trên cơ sở sơ kết tình hình triển khai Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ sẽ ban hành các quy định và các hình thức công khai hóa thông tin liên quan đến công tác xuất khẩu lao động.

"Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động; trong đó có việc đề xuất các giải pháp để doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề phối hợp với các địa phương triển khai Đề án phát triển dạy nghề, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho đào tạo, giáo dục người lao động nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu,' bà Ngân nhấn mạnh.

Mặt khác, Bộ cũng sẽ quan tâm và tăng cường quản lý, bảo vệ quyền lợi người lao động ở nước ngoài, kiện toàn bộ máy cán bộ làm công tác quản lý lao động ở ngoài nước; khẩn trương rà soát các chính sách hiện hành, nghiên cứu, bổ sung những chính sách để hỗ trợ toàn diện hơn về đào tạo, dạy nghề, tín dụng ưu đãi…

Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, trưởng đoàn giám sát cho rằng đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến con người và không chỉ liên quan đến pháp luật Việt Nam mà còn liên quan đến luật pháp quốc tế; đòi hỏi có sự hài hòa trong mối quan hệ giữa chính sách của nhà nước và thị trường lao động.

Vì vậy, cần có đánh giá khái quát và sâu hơn về vấn đề này cũng như các mục tiêu đặt ra, trong đó trọng điểm là người lao động.

Bà Mai cũng cho rằng, cần quan tâm đến tính bền vững của chính sách, hiệu quả thực hiện và việc lồng ghép các chính sách, những vướng mắc về thủ tuc; những chính sách về bảo hộ công dân, dạy nghề, về nước, về quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.../.

Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục