Thị trường cổ phiếu lại rơi vào cơn hoảng loạn mới

Nỗ lực khôi phục lòng tin của Tổng thống Mỹ Obama và các nhà lãnh đạo khác đã không tạo được cú hích cho thị trường cổ phiếu.
Các nỗ lực khôi phục lòng tin mới đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo khác trên thế giới đã không tạo được cú hích sau một tuần hoảng loạn trên thị trường cổ phiếu toàn cầu.

Các thị trường này ngày 9/8 tiếp tục "tụt dốc" thê thảm, do các nhà đầu tư bán tống bán tháo trong tâm trạng lo ngại kinh tế thế giới rơi vào vòng suy thoái mới.

Tất cả các thị trường chính tại châu Âu đều chịu thiệt hại lớn, trong đó London giảm hơn 4%, Frankfurt gần 6% và Paris hơn 3%.

Tại Mỹ, chỉ số Dow Jones Industrial Average trên thị trường Phố Wall giảm 634,76 điểm, mức giảm trong ngày mạnh nhất kể từ cuối năm 2008, xuống còn 10.809,85 điểm, "xóa sổ" toàn bộ phần lãi có được từ tháng 10 năm ngoái.

Hầu hết các thị trường châu Á đều tiếp tục thua lỗ sau khi đã sụt giảm mạnh trong ngày hôm trước, với Tokyo (Nhật Bản) thua thiệt 1,68%, Hong Kong (Trung Quốc) 5,66%, Seoul (Hàn Quốc) 3,63%. Riêng các thị trường Đài Bắc và Thượng Hải hạn chế được tổn thất, trong khi thị trường Sydney tính đến cuối ngày lời 1,22%.

Các nhà đầu tư hiện đang trông chờ vào quyết định của Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục bơm tiền để kích thích thị trường theo chính sách "Nới lỏng định lượng - QE," song nhiều người không tin quyết định này có thể chặn đứng "cơn hồng thủy" đang dâng lên trên thị trường cổ phiếu thế giới.

Theo nhà chiến lược về nợ Padhriaic Garvey làm việc tại ING, cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu đã chuyển sang giai đoạn nguy cấp.

Nếu Mỹ tiếp tục bị hạ cấp xếp hạng tín dụng thì điều này hoàn toàn có thể xảy ra với Anh và Pháp, những nước sẽ đóng góp lớn cho bất kỳ khoản cứu trợ nào dành cho Italia và Tây Ban Nha, trong đó xếp hạng tín dụng của Pháp đáng lo ngại nhất.

Khu vực tài chính của Pháp sẽ bị tổn hại nghiêm trọng nếu Khu vực đồng euro tăng qui mô Cơ chế ổn định tài chính châu Âu (EFSF) như đã cam kết. Quỹ này vốn đã quá nhỏ, không thể đủ để bảo lãnh vỡ nợ cho Italy hoặc Tây Ban Nha nếu hai nước này trở thành những quân bài "domino" vỡ nợ công tiếp theo.

Cố vấn kinh tế cho Chính phủ Đức Christoph Schmidt cũng khẳng định mở rộng Cơ chế ổn định tài chính châu Âu là việc làm "không thể chấp nhận được," "không cần thiết," và cử tri khu vực sớm hay muộn sẽ bác bỏ quyết định này.

Nhà kinh tế kỳ cựu Holger Schmieding làm việc cho Ngân hàng Berenberg Bank cho rằng khủng hoảng tài chính đã thay đổi bản chất, trở nên nguy hiểm hơn. Ông Schmieding nhận định cơn hoảng loạn hiện nay trên thị trường tài chính thế giới chỉ có thể chấm dứt nếu Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ can dự tích cực bằng một đợt mua trái phiếu thứ ba.

Liên quan các nỗ lực trấn an thị trường, ông Obama ngày 8/8 tuyên bố việc cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor's lần đầu tiên hạ mức xếp hạng của Mỹ từ AAA xuống AA+ không phản ánh thực trạng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông khẳng định Mỹ sẽ luôn là nước có mức xếp hạng tín dụng hàng đầu 3A.

Tổng thống Mỹ cũng kêu gọi Tây Ban Nha và Italy chung sức nhằm chặn đứng nguy cơ kinh tế thế giới tiếp tục rơi vào cuộc suy thoái mới.

Các nhà lãnh đạo Khu vực đồng euro đang tích cực vận động các cơ quan lập pháp của mình thông qua kế hoạch cứu trợ khẩn cấp đã được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng trước như một động thái nhằm giảm nhẹ sức ép trên thị trường.

Tuần trước, thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua một cú sốc lớn với lãi suất trái phiếu chính phủ tăng vọt, trong khi cổ phiếu rớt giá thảm hại.

Các nhà đầu tư lo ngại khủng hoảng nợ công ở châu Âu và Mỹ có nguy cơ đẩy kinh tế thế giới vào cuộc suy thoái mới, sau khi cuộc suy thoái bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giữa năm 2008 vừa chạm đáy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục