Hà Nội khắc phục khó khăn thông tin lý lịch tư pháp

Xuất phát từ nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, hiện nay, Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn trong tập hợp thông tin lý lịch tư pháp.
Sau hơn hai năm Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực thi hành (từ 1/7/2010 đến nay), Sở Tư pháp thành phố Hà Nội đã chủ động tiếp nhận các thông tin lý lịch tư pháp từ các cơ quan tố tụng và Sở Tư pháp các tỉnh, thành khác gửi về.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn trong tập hợp thông tin lý lịch tư pháp cho người dân, lượng thông tin lý lịch tư pháp nhận được không đều và không đầy đủ về cả lượng thông tin lẫn thời gian của thông tin lý lịch tư pháp.
 
Cụ thể, thông tin lý lịch tư pháp mà Sở Tư pháp Hà Nội tiếp nhận chủ yếu là các bản án hoặc trích lục bản án, không có những thông tin khác theo quy định của Luật như quyết định thi hành án hình sự, quyết định thi hành án phạt tiền, án phạt tịch thu tài sản, án phí và nghĩa vụ dân sự…
 
Bên cạnh đó, thông tin của người bị kết án gửi đến từ các cơ quan này thường xuyên ở trong tình trạng không đầy đủ. Điển hình như các bản án hình sự chưa có hiệu lực pháp luật, bản án hình sự có hiệu lực pháp luật nhưng không có thông tin về tình trạng thi hành bản án hình sự cũng như không có thông tin về án phí. Hay có thông tin về bản án hình sự sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị nhưng không có thông tin về bản án hình sự phúc thẩm…
 
Đối với những trường hợp này, cán bộ tiếp nhận thông tin ban đầu vẫn phải vào sổ theo dõi theo quy định để chờ thông tin bổ sung. Điều này đã ảnh hưởng một phần không nhỏ đến việc tiếp nhận và xử lý thông tin của Sở Tư pháp, nhất là trong khi việc cung cấp thông tin cho Trung tâm lý lịch tư pháp Quốc gia vẫn phải được tiến hành kịp thời, thường xuyên, liên tục.
 
Theo bà Đàm Thị Kim Hạnh (Trưởng Phòng Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội), do thiếu về thông tin và nhân sự thực hiện công tác này nên đến nay việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân vẫn phải dựa trên sự phối hợp công tác về cung cấp, tra cứu thông tin lý lịch tư pháp giữa Sở Tư pháp (Phòng Lý lịch tư pháp) với Công an thành phố Hà Nội (Phòng Cảnh sát hồ sơ nghiệp vụ - PC53).
 
Theo đó, nhờ sự phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp nhận, chuyển yêu cầu xác minh, tàng thư căn cước can phạm và thông báo kết quả xác minh nên đã giải quyết được khối lượng lớn về yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp hàng ngày cho công dân.
 
Đại diện Công an thành phố Hà Nội, bà Phạm Thị Dung, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hồ sơ nghiệp vụ (PC53) cho biết, mỗi năm PC53 trả lời hàng trăm nghìn yêu cầu tra cứu thông tin của các nơi. Trong đó, yêu cầu tra cứu thông tin từ phía Sở Tư pháp Hà Nội là khoảng 10.000 thông tin mỗi năm.
 
Do Sở Tư pháp hiện còn thiếu về mặt thông tin và nhân sự nên về phía ngành công an đã có sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong việc cung cấp thông tin. Đa phần các yêu cầu cung cấp thông tin từ phía ngành tư pháp đã được giải quyết sớm trong khoảng thời gian bảy ngày.
 
Theo bà Dung, chỉ khi nào ngành tư pháp mạnh lên, tự đảm nhận được công tác lý lịch tư pháp thì mới đỡ được “gánh nặng” cho PC53. Để khắc phục khó khăn này, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ được Bộ Tư pháp hỗ trợ trong việc triển khai Phần mềm quản lý lý lịch tư pháp. Cụ thể, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) sẽ phối hợp với Trung tâm lý lịch tư pháp Quốc gia cử cán bộ hướng dẫn các thao tác sử dụng Phần mềm lý lịch tư pháp cho cán bộ, công chức làm công tác lý lịch tư pháp của Hà Nội. Từ đó, Sở Tư pháp Hà Nội sẽ xây dựng được dữ liệu nguồn thông tin lý lịch tư pháp dày dặn, chắc chắn, tạo dựng được vị trí độc lập trong công tác lý lịch tư pháp theo đúng quy định của Luật lý lịch tư pháp./.
 
Kim Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục