Năng lượng thế giới trước biến động về cung-cầu

Giá dầu thô thế giới đang rơi vào tình trạng bất ổn trong bối cảnh cán cân cung-cầu bị giằng co bởi nhiều nhân tố trái chiều nhau.
Giá dầu thô thế giới đang rơi vào tình trạng bất ổn sau khi kết thúc một tuần gần như "án binh bất động", trong bối cảnh cán cân cung-cầu bị giằng co bởi nhiều nhân tố trái chiều nhau: căng thẳng ở Iran, nhu cầu năng lượng suy yếu và các nước công nghiệp hóa có khả năng mở kho dự trữ chiến lược lần thứ tư trong lịch sử của mình.

Hiện tình hình ở Iran - nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) - vẫn là tâm điểm của thị trường.

Kể từ đầu năm nay, chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran đã đẩy giá dầu tăng tới 15%.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định những gì đang diễn ra tại Iran và Trung Đông khiến giá dầu tăng thêm 20-30 USD/thùng.

Nhà đầu tư lo ngại khi những biện pháp trừng phạt của phương Tây - được bắt đầu từ cuối năm 2011 và chủ yếu nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran - đã bắt đầu tác động tới nguồn cung dầu thô của quốc gia Hồi giáo này.

Các nước châu Âu và Nhật Bản đã giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran. Iran ngày càng gặp khó khăn hơn trong việc bán dầu cho các nước khác do phương Tây đang sử dụng mọi biện pháp để cô lập các ngân hàng của Iran khỏi hệ thống tài chính quốc tế.

Theo ước tính của công ty tư vấn Petrologistics, trong tháng Ba này, lượng dầu xuất đi của Iran giảm 300.000 thùng/ngày - tương đương 14% tổng lượng dầu xuất khẩu của nước này.

Trên thị trường năng lượng đã xuất hiện hoạt động đầu cơ khi nguồn cung từ Iran gián đoạn.Nhưng tuần trước, dầu rớt giá do nhà đầu tư dự đoán nhu cầu năng lượng sẽ giảm sút khi kinh tế châu Âu xuất thiện thêm các dấu hiệu suy thoái và hoạt động chế tạo tại Trung Quốc chưa thoát khỏi vùng âm.

Cụ thể, chỉ số quản lý thu mua (PMI) tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) giảm từ mức 49,3 trong tháng 2/2012 xuống 48,7 trong tháng 3/2012, ngược hẳn với dự báo của giới phân tích là có bước cải thiện nhẹ.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất tại Pháp và Đức giảm mạnh, vượt cả những dự báo bi quan nhất trước đó.

Còn tại Trung Quốc, chỉ số PMI của khu vực chế tạo trong tháng 3/2012 giảm xuống mức thấp nhất của 4 tháng.

Các mối lo ngại về nguy cơ trượt dốc của kinh tế toàn cầu đã đè nặng lên tâm lý thị trường.

Raymond Carbone, chuyên gia giao dịch dầu mỏ tại Niu Yoóc cho rằng sự sa sút của kinh tế Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới - có thể giáng một đòn nặng nề vào nhu cầu và tác động tiêu cực tới giá dầu.Arập Xêút nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất OPEC, tuần qua tuyên bố sẵn sàng tăng sản lượng để đáp ứng nguồn cung bị thiếu hụt từ Iran.

Tuyên bố này đã gây sức ép với giá dầu và làm gia tăng biến động trên thị trường năng lượng.

Bộ trưởng Dầu mỏ của Arập Xêút khẳng định để kiềm chế đà tăng của giá dầu và bảo vệ sức phục hồi còn mong manh của kinh tế toàn cầu, nước này sẽ tăng sản lượng lên mức đối đa 12,5 triệu thùng/ngày.

Theo báo cáo của Chính phủ Arập Xêút, lượng dầu xuất khẩu của nước này trong tháng 1/2012 đã tăng 143.000 thùng/ngày so với tháng trước đó, trong khi tổng sản lượng tăng 61.000 thùng lên 9,871 triệu thùng/ngày, mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Nhờ cam kết của Arập Xêút, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) nhận định nguồn cung dầu mỏ của thế giới sẽ không bị gián đoạn. Trong khi đó, nguồn dầu từ Libi cũng dần quay lại thị trường.

Một quan chức thuộc Công ty dầu mỏ quốc gia Libi cho biết nước này có kế hoạch xuất khẩu khoảng 1,4 triệu thùng trong tháng 4/2012.

Theo IEA, Arập Xêút và các nhà sản xuất dầu mỏ khác ở Vùng Vịnh sẽ đưa thêm dầu ra thị trường để kiềm chế đà tăng của giá - nhân tố có thể châm ngòi cho một đợt suy thoái khác trên quy mô toàn cầu.

Một nhân tố nữa tác động đến nguồn cung đó là các nước công nghiệp hóa đang cân nhắc phương án mở kho dự trữ dầu chiến lược của mình.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố việc mỏ kho dự trữ là một giải pháp được tính đến.

Theo tính toán của Morgan Stanley, nếu Mỹ mỏ kho dự trữ, giá dầu có thể giảm tới 8% trong 2 ngày đầu tiên./.

Hương Giang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục