"Công trường" gỗ lậu

Khi rừng cấm thành công trường khai thác gỗ lậu

Vườn quốc gia Yok Đôn thành một “công trường” khai thác gỗ quý hiếm trái phép, nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi chỉ còn trơ gốc.
Sau khi một số cơ quan thông tin đại chúng phản ánh tình trạng “tận diệt gỗ quý Vườn Quốc gia Yok Đôn” (Đắk Lắk), nhiều người dân đã đến thông báo sự thật còn kinh khủng hơn báo chí đã nêu.

Để nhìn tận mắt điều mà người dân cho biết, nhóm phóng viên chúng tôi đã liên tiếp thực hiện những chuyến khảo sát vườn quốc gia Yok Đôn và chứng kiến khu rừng ấy giờ chẳng khác gì “đại công trường khai thác gỗ lậu.”

Rừng cấm bị khai thác trắng

Bỏ lại xe trên đường tuần tra 6B, chúng tôi luồn sâu vào tiểu khu 507 theo những con đường nhánh do lâm tặc tự mở để đưa các phương tiện cơ giới vào khai thác gỗ quý hiếm.

Chỉ trong vòng bán kính gần 500m, nhóm phóng viên cùng cán bộ kiểm lâm của vườn quốc gia Yok Đôn đã tận mắt chứng kiến một “công trường” khai thác gỗ quý hiếm trái phép.

Cánh rừng này, gỗ giáng hương (nhóm 2A) và các loại gỗ quý khác như cẩm lai, căm xe… mọc khá dày. Điều này đã tạo điều kiện cho lâm tặc khai thác kiểu “hủy diệt”: trong một khoảnh rừng không rộng, cả trăm cây giáng hương hàng trăm năm tuổi với đường kính từ 60cm đến hơn 1m ở vùng rừng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt này chỉ còn trơ gốc.

Quay trở ra, cả nhóm bị lạc thêm một quãng. Và trong quãng đường bị lạc ấy, chúng tôi đếm được hàng trăm gốc giáng hương cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ. Nhiều cây đã có bút lục của kiểm lâm ghi ngày tháng phát hiện, kiểm kê.

Các lối mòn do lâm tặc tự mở, xe cày, máy kéo vận chuyển gỗ lậu ra vào đến độ thành đường lớn, sục cả bùn đất, mòn cả đá cuội, chứng tỏ “đại công trường” khai thác gỗ quý hiếm trái phép này đã tồn tại và thực sự nhộn nhịp trong một thời gian dài.

"Công trường” này nằm ngay sát đường tuần tra 6B, lại không xa Trạm bảo vệ rừng bao nhiêu, nhưng không hiểu sao toàn bộ lực lượng kiểm lâm của vườn đông hàng trăm người vẫn bị vô hiệu hóa, không thể phát hiện?

Hôm sau, chúng tôi tiếp tục “lội” vào tiểu khu 434 theo con đường lâm tặc mở sẵn để vận chuyện gỗ lậu. Chỉ đi một quãng ngắn nhóm phóng viên đã đếm được 23 cây gỗ giáng hương có đường kính từ 70cm-1,2m bị đốn hạ. Trên mặt cắt của nhiều gỗ cây hương cổ thụ có bút lục của kiểm lâm ghi lại ngày phát hiện, đa phần chỉ trong khoảng tháng 2 đến tháng 5/2011. Nhiều cây gỗ hương cổ thụ bị đốn hạ chỉ nằm cách đường tuần tra từ 5-100m và cách không xa các trạm bảo vệ rừng.

Chỉ riêng ở 2 tiểu khu nói trên, nhóm phóng viên đã ghi nhận có hàng trăm cây gỗ giáng hương đại thụ trong khu rừng cấm Yok Đôn bị đốn hạ với khối lượng gỗ bị lấy đi ước tính lên đến cả ngàn m3.

Theo tính toán, gỗ giáng hương loại đẹp như khai thác ở rừng cấm Yok Đôn hiện giá trên thị trường khoảng từ 30-40 triệu đồng/m3. Khối lượng gỗ bị lâm tặc lấy đi tại 2 tiểu khu này đã lên đến hàng chục tỷ đồng, một món lợi nhuận kếch xù cho lâm tặc (và cho cả những kẻ bao che cho lâm tặc).

Ai “bán đứng” rừng cấm Yok Đôn cho lâm tặc?

Một điều gây sửng sốt hơn là có nhiều gốc cây giáng hương cổ thụ vừa bị lâm tặc đốn hạ lại đang bị lực lượng kiểm lâm chất cành, ngọn đốt cháy thành than đỏ rực, nhiều khúc gỗ có đường kính 30-40cm cũng bị gom đốt.

Với cách làm theo kiểu “đào tận gốc trốc tận ngọn” như vậy thì gốc giáng hương cổ thụ ấy không còn cơ hội tái sinh (thông thường khả năng tái sinh từ các gốc cổ thụ này là rất lớn với tốc độ sinh trưởng, phát triển rất nhanh), đồng thời chỉ sau 1 trận mưa lớn các dấu vết của vụ phá rừng sẽ bị xóa sạch.

Trả lời câu hỏi liệu đây có phải là cách phi tang những vật chứng của chủ rừng, anh Nguyễn Huy Hải, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Đrăng Phốk cho biết: “Lãnh đạo vườn chỉ đạo anh em đốt bỏ thì anh em làm thôi”.

Theo nhận xét của các cán bộ kiểm lâm được hỏi thì việc phát hiện những hiện trường khai thác gỗ quý trái phép ở vườn quốc gia Yok Đôn là không khó. Bởi ở đâu có suối, rừng cây le là ở đó có các loại gỗ quý mọc xen kẽ. Nhưng không hiểu sao chủ rừng lại làm ngơ để lâm tặc lộng hành đến mức như vậy.

Trước đây, một nguyên nhân mất rừng được viện dẫn là do lực lượng quá mỏng, không đủ định biên theo yêu cầu. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng của vườn quốc gia Yok Đôn đã được bổ sung thêm hơn 100 người, lên 225 cán bộ, nhân viên; trong đó 170 cán bộ, kiểm lâm chuyên trách bảo vệ rừng được biên chế ở 11 trạm bảo vệ rừng, 2 đội kiểm lâm cơ động được bố trí khắp vườn và thường xuyên tuần tra bảo vệ khu rừng cấm.

Ngoài ra còn có các chốt, trạm kiểm soát đóng ở những nơi xung yếu. Trên tuyến tỉnh lộ 1 còn có các trạm kiểm soát lâm sản liên ngành, trạm, trạm bảo vệ rừng phòng hộ Buôn Tul trấn giữ. Với lực lượng có thể nói là khá hùng hậu như vậy thì không thể viện lý do “lực lượng quá mỏng” nữa.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu lực lượng chức năng, mà đặc biệt là lực lượng bảo vệ rừng của vườn quốc gia Yok Đôn tận tâm, làm nghiêm thì không thể có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” như vậy được. Còn thực tế ở vườn quốc gia Yok Đôn thì hiện khu rừng này lâm tặc mới là chủ rừng, còn chủ rừng hợp pháp với lực lượng kiểm lâm hùng hậu gần như đã bị vô hiệu hóa.

Một điều khó hiểu khác là với hàng loạt vụ vi phạm lâm luật với quy mô lớn đã biến khu rừng cấm Yok Đôn thành một “đại công trường” khai thác gỗ lậu như vậy nhưng không hiểu sao lãnh đạo vườn quốc gia Yok Đôn không chỉ đạo thực hiện khởi tố bất kỳ một vụ án nào.

Theo ghi nhận, chỉ với một cây gỗ giáng hương với khối lượng 6-7m3 bị đốn hạ là đã quá đủ điều kiện để khởi tố vụ án, thậm chí thu được cả xe máy đầy đủ biển số, phương tiện khai thác gỗ trái phép nên nếu khởi tố sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều tra làm rõ.

Không những không khởi tố mà lãnh đạo Vườn còn chỉ đạo xử lý theo kiểu xóa dấu vết để ém nhẹm, vội vã tổ chức thu gom, đốt cả gốc, cành, ngọn để xóa sạch hiện trường.

Mới đây, Cục Kiểm lâm đã cử đoàn công tác vào kiểm tra tình trạng phá rừng ở Yok Đôn, nhưng đoàn công tác này lại thực hiện theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa,” chỉ trong 1 ngày nhưng hoàn thành kiểm tra diện tích rừng của 6 trạm bảo vệ rừng (tương đương gần 70.000ha rừng).

Để mất rừng khủng khiếp như vậy, trách nhiệm đầu tiên thuộc về lãnh đạo của vườn, nhưng hiện họ vẫn “bình chân như vại.” Nếu những sai phạm, bất cập ở vườn quốc gia Yok Đôn không được chấn chỉnh kịp thời thì chỉ vài năm nữa khu rừng cấm Yok Đôn không còn gì quý giá để phải tốn công bảo vệ nữa./.

Việt Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục