Hỗn loạn bến xe Mỹ Đình

Hà Nội: Các bến xe "gồng" mình “cõng” người về quê

Các bến xe lớn ở Hà Nội có một buổi chiều "còng lưng" vì phải "oằn mình" để "cõng" lượng khách tăng đột biến vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Các bến xe lớn ở Hà Nội đã có một buổi chiều "còng lưng" vì phải "cõng" lượng người tăng đột biến. Trong khi đó, những tuyến đường cửa ngõ thủ đô cũng không thoát cảnh ùn tắc trong ngày trước kỳ nghỉ lễ 30/4.

"Oằn" mình "cõng" khách

Theo ghi nhận của phóng viên Vietnam+, ngay từ thời điểm 16 giờ 30 phút chiều (26/4), tại Hà Nội, rất nhiều đoạn đường đổ các bến xe lớn đã rơi vào cảnh nghẽn người.
 
Bến xe Mỹ Đình là một trong những điểm dòng người đổ về đông nhất thành phố. Dọc trục đường Phạm Văn Đồng-Phạm Hùng, lượng người tăng đột biến khiến giao thông khu vực này khá lộn xộn. Mặc dù cách cửa bến xe Mỹ Đình khá xa nhưng dòng người di chuyển khá "vật vã" ở khu vực gầm cầu vượt trên đường Xuân Thủy. Đây là tuyến đường đổ ra bến xe Mỹ Đình với số lượng sinh viên khá đông, nên cả tuyến đường phải “gánh” lượng người hồi hương không nhỏ.
 
Nặng nề nhất lúc này là khu vực trước cửa bến xe Mỹ Đình bởi đây vốn là điểm quay đầu cho ôtô xe máy lưu thông trên đường Phạm Hùng. Những chiếc ôtô kềnh càng chầm chậm chuyển hướng khiến dòng phương tiện rầm rập qua cửa bến rơi vào cảnh ùn tắc. Thêm vào đó, số lượng phương tiện đưa người nhà về quê đỗ la liệt ở khu vực này cũng góp phần không nhỏ vào tình cảnh khá hỗn loạn khu vực này.
 
Phía trong bến, tình hình cũng không mấy thoáng đãng hơn. Hàng trăm hành khách cùng với lỉnh kỉnh đồ đạc biến khu vực nhà chờ của bến xe trở nên nhỏ bé một cách đáng thương.

Trong phòng chờ và trước cửa bến, rất đông người đổ về mua vé. Hầu hết các cửa bán vé đều đông kín hành khách.

Thậm chí, khu đợi của nhà bán vé, hành khách cũng ngồi la liệt để đợi chờ bạn bè, người thân đi về.
 
Mướt mồ hôi vì chen qua đám đông đang cố len lên xe, anh Nguyễn Văn Trường, quê ở Thái Bình cho hay: “Lúc đầu, tôi cũng định đợi xe vắng thì lên. Nhưng đợi cả tiếng đồng hồ vẫn không có chỗ nên giờ đành cố chen lên. Về sớm lúc nào hay lúc ấy.”

Phía ngoài cửa bến xe, nhiều taxi, xe máy, người đứng đỗ trước cổng, tràn ra đến nửa đường để đưa người thân vào bắt xe.

Ngay tại các cửa vào bên trong bến, rất đông cò vé đứng để “chèo kéo” khách nhanh chân lên xe về quê.

Tại Bến xe Giáp Bát, theo quan sát của phóng viên, các xe chạy tuyến Hà Nội – Nam Định, Thanh Hóa, Thái Binh… thường xuyên phải xuất bến trong tình trạng quá tải.

Trên đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), sinh viên và lao động ngoại tỉnh sáng nay cũng đã xếp kín dọc đường đợi bắt xe khách. Những tuyến xe buýt về các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên… ngày thường vốn đã khá đông thì trong dịp nghỉ lễ phải hoạt động hết công suất mà vẫn luôn phải chịu cảnh quá tải trong khi xe khách gom khách không xuể.

Nhấp nhổm đợi xe bên đường Nguyễn Văn Cừ, bạn Trịnh Thị Quyên, ở Bắc Giang chia sẻ: “Em đứng đợi gần 1 giờ đồng hồ mà chưa bắt được xe về quê. Xe buýt đông đến mức đứng một chân cũng không còn chỗ.”

Trên các tuyến xe buýt, rất đông người chen chân, dồn ứ để có thể lên xe. Các tuyến xe buýt đông nghịt người. Thậm chí, tại các cửa lên, xuống đều nghẽn người đứng và vịn, không còn chỗ trống nào.

Dọc các tuyến đường có các điểm dừng đón xe buýt, dòng người đứng tràn cả ra lề đường để có thể nhanh chân leo lên xe.

Đi Đồng Văn, giá vé Nam Định

Nhiều hành khách đi chặng ngắn như Hà Nội-Phủ Lý, Đồng Văn cũng phàn nàn, họ buộc phải trả giá vé đồng hạng như đi Nam Định (70.000 - 80.000 đồng) vì nếu không, nhà xe sẽ không chịu chở.

Mặc dù vậy, hầu hết hành khách đều phải chấp nhận lên xe với hy vọng nhanh chân để về quê.

Tại các bến xe, những chuyến về tuyến huyện, hành khách luôn bị nhồi nhét và “chặt chém” giá vé do lượng phương tiện về khu vực này luôn luôn cao điểm.

[Giá vé xe khách trong dịp lễ tăng cao nhất tới 50%]


Đề đảm bảo việc đi lại trong dịp nghỉ lễ, trao đổi với phóng viên Vietnam+ vào chiều muộn ngày hôm nay (26/4), ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội cho biết, Công ty đã lập các đường dây “nóng” của của bến xe và Giám đốc một số Bến xe tại Hà Nội để khi hành khách bị “bắt chẹt” thì sẽ phản ánh về thông tin doanh nghiệp để bến có phương án xử lý.

Cụ thể, đường dây nóng của Bến xe phía Nam có số 04. 38.641.467- 0913.305.885, Bến xe Mỹ Đình: 04.37.685.549- 0913.230.819, Bến xe Gia Lâm: 38.271.529- 0913.234.684.

“Trong quá trình đi lại bằng xe khách dịp này, người dân phát hiện doanh nghiệp xe khách nào thu giá vé sai so với niêm yết, đồng thời ‘bắt chẹt’ và ‘nhồi nhét’ hãy phản ánh ngay đến lãnh đạo bến xe qua đường dây nóng trên, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc,” ông Trung chia sẻ.

Bên cạnh đó, vị Giám đốc này cũng cho biết thêm, ngoài 18 doanh nghiệp gửi thông báo xin tăng giá vé từ một tuần trước, đến nay, các bến xe vẫn chưa có thêm đơn vị nào xin tăng giá vé dịp nghỉ lễ.

Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, do hai kỳ nghỉ đều dài ngày và gần nhau nên nhiều khả năng lượng khách sẽ không bị tập trung quá đông vào một thời điểm mà chủ yếu tập trung tại các tuyến đường có chiều dài khoảng dưới 500km như: Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Vinh, Sơn La….

[Hà Nội tăng cường hơn 600 xe dịp nghỉ lễ kéo dài]


Trước thực trạng nhiều nhà xe tăng giá vé dịp lễ, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết: “Tình trạng tăng giá vé vừa rồi cũng đã xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, mới đây lại có một số nhà xe tự ý tăng giá vé đến mức cao nhất là khoảng 1,5 lần giá quy định.”

Ngoài ra, ông Hiệp cũng cho hay: “Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đang yêu cầu các lực lượng chức năng kiểm tra, kiên quyết xử lý các đơn vị tự ý tăng giá vé một cách vô lý, cần thiết sẽ phải thu hồi giấy phép kinh doanh.”/.

Dịp 30/4 và 1/5, dự kiến số lượng người về quê đông hơn từ 2 đến 3 lần so với ngày bình thường, Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội đã lên phương án tăng cường vào khoảng 350 lượt xe/ngày. Trong đó, tại bến xe Phía Nam là 120 lượt xe/ngày, tại Mỹ Đình là 180 lượt xe/ngày, tại bến xe Gia Lâm là 50 lượt xe/ngày.

Trong ngày 1/5, lượng khách từ các tỉnh về Hà Nội về sẽ tăng cao. Vì vậy, xe buýt cũng sẽ được tăng cường thêm 400 lượt xe để phục vụ chuyển tải hành khách từ các phương tiện liên tỉnh về Hà Nội.
Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục