WB: Kinh tế Đông Á sẽ tăng trưởng chậm năm 2012

Trong báo cáo định kỳ vừa công bố ngày 22/11, Ngân hàng thế giới (WB) dự đoán kinh tế khu vực Đông Á sẽ chỉ tăng trưởng 8,2% trong năm nay và 7,8% năm 2012, giảm đáng kể so với mức tăng 9,7% của năm 2010, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa từ các thị trường xuất khẩu trọng yếu của Đông Á như Mỹ và châu Âu tiếp tục sụt giảm. Nhà kinh tế trưởng của WB phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bert Hofman, cho biết tăng trưởng kinh tế yếu tại châu Âu do các chương trình thắt lưng buộc bụng, trong khi hệ thống ngân hàng cần tăng nguồn vốn hoạt động sẽ ảnh hưởng tới dòng tín dụng chảy vào khu vực Đông Á. Tuy nhiên, nhờ nguồn dự trữ ngoại tệ lớn và thặng dư tài khoản vãng lai cao, hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Á có thể vượt qua các sức ép này.
Trong báo cáo định kỳ vừa công bố ngày 22/11, Ngân hàng thế giới (WB) dự đoán kinh tế khu vực Đông Á sẽ chỉ tăng trưởng 8,2% trong năm nay và 7,8% năm 2012, giảm đáng kể so với mức tăng 9,7% của năm 2010, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa từ các thị trường xuất khẩu trọng yếu của Đông Á như Mỹ và châu Âu tiếp tục sụt giảm.

Nhà kinh tế trưởng của WB phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bert Hofman, cho biết tăng trưởng kinh tế yếu tại châu Âu do các chương trình thắt lưng buộc bụng, trong khi hệ thống ngân hàng cần tăng nguồn vốn hoạt động sẽ ảnh hưởng tới dòng tín dụng chảy vào khu vực Đông Á. Tuy nhiên, nhờ nguồn dự trữ ngoại tệ lớn và thặng dư tài khoản vãng lai cao, hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Á có thể vượt qua các sức ép này.

Theo WB, khu vực Đông Á, bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia, có tổng dự trữ ngoại tệ (không kể vàng) lên tới 4.900 tỷ USD tính tới tháng Chín năm nay, trong đó riêng Trung Quốc đã sở hữu 3.200 tỷ USD.

WB cho rằng các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu tại Đông Á đã bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tại phương Tây, đặc biệt là lĩnh vực điện tử khi nhu cầu tiêu thụ suy yếu. Ngoài ra, tình trạng lũ lụt tại một số quốc gia; trong đó có Thái Lan, là nhân tố ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế các nền kinh tế này, khi nhiều công ty trong khu vực buộc phải đóng cửa sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động do thiếu linh kiện hoặc gián đoạn dây chuyền cung ứng sản phẩm.

WB nhận định, trong bối cảnh hai trục kinh tế lớn trên thế giới là Mỹ và châu Âu phải vật lộn với khủng hoảng nợ công, Trung Quốc đã nổi lên là thị trường xuất khẩu chủ chốt và giữ vai trò là động lực của kinh tế toàn cầu. Dự kiến, kinh tế Trung Quốc vẫn có thể tăng trưởng tới 9,1% trong năm nay và 8,4% năm 2012, bất chấp các biện pháp kiềm chế lạm phát của Bắc Kinh; trong đó có tăng lãi suất và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

Đối với các rủi ro trong ngắn hạn, theo WB, thách thức lớn nhất đối với khu vực Đông Á là làm thế nào để cân bằng giữa thúc đẩy tăng trưởng và đối phó với với những hiệu ứng từ sự bất ổn toàn cầu.

Các nhà hoạch định khu vực có thể tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt và sẵn sàng hành động để đối phó với bất kỳ rủi ro nào từ vấn đề nợ công tại châu Âu. Cho dù vị thế tài chính không còn mạnh như trước giai đoạn khủng hoảng năm 2008, song hầu hết các nước thu nhập trung bình trong khu vực vẫn còn công cụ để đưa ra các gói kích thích khi cần thiết.

Trong trung và dài hạn, WB khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách Đông Á cần tiếp tục triển khai các biện pháp cải cách nhằm thúc đẩy nhu cầu nội địa và năng suất. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục và hệ thống an sinh xã hội sẽ giúp các nền kinh tế Đông Á gia tăng năng suất và tiến tới sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn./.

Việt Khoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục