Dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh được khống chế

Dịch cúm gia cầm và dịch tai xanh hiện được khống chế trên cả nước; chỉ còn dịch lở mồm long móng gia súc còn diễn biến phức tạp.
Chiều 25/1, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho biết, dịch cúm gia cầm và dịch tai xanh đã được khống chế trên cả nước, chỉ còn dịch lở mồm long móng trên gia súc chưa được kiểm soát và vẫn còn diễn biến phức tạp.

Theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, các biện pháp phòng chống dịch lở mồm long móng ở một số tỉnh còn chưa quyết liệt, thậm chí có nơi còn lơ mơ trong việc xác định loại vắc xin phòng chống lở mồm long móng.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, bên cạnh những tỉnh thực hiện khá tốt việc hỗ trợ cho chăn nuôi như Yên Bái thì cũng có tỉnh còn chưa thực hiện tốt như Sơn La, số trâu bò nuôi thả rông chiếm tới hơn 50%.

Ban Chỉ đạo nhận định, dịch lở mồm long móng xuất hiện tại 2 khu vực chính là miền núi phía Bắc và khu vực miền Trung Tây Nguyên. Các ổ dịch xuất hiện liên tiếp tại 2 khu vực này thời gian qua cho thấy dịch vẫn đang có dấu hiệu lây lan. Nguyên nhân chủ yếu là các hoạt động bán chạy gia súc, vận chuyển gia súc mang mầm bệnh bất hợp pháp, cộng với thời tiết lạnh cũng làm giảm sức đề kháng của gia súc.

Ban Chỉ đạo yêu cầu các tỉnh có dịch và tỉnh lân cận cần tăng cường giám sát chủ động đến tận hộ chăn nuôi nhằm quản lý tốt đàn gia súc mắc bệnh nhưng không tiêu hủy; tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ; kiểm dịch nội địa cũng như qua biên giới.

Cục Thú y sớm hoàn thiện dự thảo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn năm 2011-2015 để trình Bộ phê duyệt.

Trong 2 tuần qua (từ 11/1-25/1), đã có thêm 2 tỉnh phát sinh dịch lở mồm long móng là Nghệ An và Hòa Bình; trong khi tỉnh Kon Tum tiếp tục phát hiện thêm gia súc mắc bệnh.

Tại Nghệ An, dịch xảy ra tại xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp làm 12 con trâu và 8 con bò mắc bệnh. Tại tỉnh Hòa Bình, dịch lở mồm long móng xảy ra ở 6 xã gồm Yên Lập, Yên Thượng, Tây Phong, Xuân Phong, Bình Thanh và thị trấn Cao Phong làm 114 con bò mắc bệnh. Hai tỉnh Nghệ Anh và Hòa Bình đang triển các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Hiện cả nước có 14 tỉnh có dịch lở mồm long móng trên gia súc chưa qua 21 ngày là Sơn La, Quảng Ngãi, Phú Yên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Giang, Kon Tum, Nghệ An và Hòa Bình./.

Hoàng Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục