Ngành in tăng trưởng trong thời kinh tế suy thoái

Giai đoạn 2008-2010, tuy bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng ngành in của Việt Nam vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng.
“Năm 2008-2010, tuy ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng lạm phát, nhưng ngành công nghhiệp in Việt Nam vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng.”

Đây là thông báo của ông Lý Bá Toàn, Phó cục trưởng Cục Xuất bản trong Hội nghị tổng kết ngành in giai đoạn 2008-2010 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào sáng ngày 24/11, tại Hà Nội.

Ông Toàn cũng cho biết, sản lượng trang in đều tăng trong các năm. Cụ thể, sản lượng trang in năm 2008 tăng khoảng 9,7% đạt hơn 640 tỷ trang in (khổ 13x19 centimet), năm 2009 tăng khoảng 15,9% đạt hơn 742 tỷ trang in, năm 2010 tăng khoảng 15% đạt hơn 838 tỷ trang in.

Tổng số các cơ sở in của cả nước khoảng gần 1.500 cơ sở. Số lượng cơ sở in có biến động mạnh và theo chiều hướng tích cực hơn do có sự cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh một số cơ sở in được đầu tư tốt ra đời thì cũng có những cơ sở in cũ kỹ, lạc hậu về công nghệ thiết bị, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường đã phải giải thể.

Các cơ sở in có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu vẫn sản xuất mảng sản phẩm bao bì, nhãn hàng hóa chất lượng cao, tuy vẫn được tiếp tục đầu tư nhưng không nhiều, có lúc chững lại, cầm chừng.

Theo số liệu lưu chiểu tại Cục Xuất bản trong ba năm (2008-2010), số xuất bản phẩm của các nhà xuất bản được in ra gần 820 triệu bản sách tương đương gần 270 tỷ trang in. Trong đó, sách chính trị-xã hội-pháp luật gần 32 triệu bản, sách giáo khoa gần 290 triệu bản, sách giáo viên gần 164 triệu bản, sách tham khảo hơn 244 triệu bản và một số loại sách khác gần 92 triệu bản.

Đối với sản phẩm in là báo chí, cả nước có 745 cơ quan báo chí với 1003 ấn phẩm, số lượng phát hành khoảng 600 triệu bản/năm, tương đương khoảng gần 70 tỷ trang in với chất lượng cao, đáp ứng kịp thời thông tin chính xác đến với bạn đọc.

Việc in lịch hàng năm cũng được các cơ sở in đáp ứng kịp thời, phục vụ đầy đủ nhu cầu thị trường với hình thức đẹp và chất lượng kỹ thuật in tốt. Chỉ tính riêng số lượng lịch blog in ra mỗi năm khoảng 17 triệu bản…

Nhờ có tăng trưởng về sản lượng in nên doanh thu hàng năm của ngành in cũng được tăng trưởng, cụ thể: Doanh thu năm 2008 tăng 9,2%, năm 2009 tăng 10,3%, năm 2010 tăng 18,2%.

Cũng tại hội nghị tổng kết, ngành in đã đề ra mục tiêu, định hướng nhiệm vụ của mình đến năm 2015.

Ngành in phấn đấu nâng cao năng lực sản xuất toàn ngành để tiếp tục duy trì mức tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10% về sản lượng trang in, đến năm 2015 đạt 1.500 tỷ trang in.

Từ đó, ngành in đưa ra chiến lược sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng sản lượng ấn phẩm có giá trị cao, trong đó sách khoảng 10-15%, báo chí 25-30%, bao bì, nhãn hàng trên giấy khoảng 30%...
 
Bên cạnh đó, ngành in cũng chú trọng đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như tiếp tục đào tạo kỹ sư, duy trì các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ để cập nhật kiến thức và nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý cơ sở in…/.

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục