Bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám vướng... giấy!

Dự án bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám, TP.HCM - dự án bãi đậu xe ngầm đầu tiên của Việt Nam, đã hơn 6 tháng vẫn chưa triển khai.
Dự án BOT bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh - dự án bãi đậu xe ngầm đầu tiên của Việt Nam, được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS) làm chủ đầu tư ký hợp đồng BOT từ ngày 15/10/2009 nhưng đến nay, đã hơn sáu tháng vẫn chưa triển khai.

Xa hơn, tính từ khi dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 5/8/2009, dự án này đã phải nằm chờ đến tám tháng trong khi nhu cầu về bãi đậu xe của Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày một “nóng” hơn.

Mặc dù đã có quyết định giao thuê đất để thực hiện dự án của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 25/1/2010 nhưng đến nay, chính những vướng mắc trong các thủ tục hành chính về giao thuê đất vẫn chưa có bước tiến triển nào khiến dự án không thể triển khai được. Đáng chú ý nhất là vướng mắc bởi khái niệm “công trình nổi trên mặt đất” trong các văn bản, thủ tục hành chính về giao thuê đất cho dự án.

Tại Công văn số 404/TNMT/QHSDD ngày 15/1/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình Ủy ban Nhân dân Thành phố và đề nghị cho chủ đầu tư IUS được giao thuê đất để thực hiện dự án.

Trong văn bản lần đầu kể từ khi triển khai các bước thủ tục đầu tư dự án, khái niệm “công trình nổi trên mặt đất” đã xuất hiện trong phần thông tin về đặc trưng khu đất: diện tích khu đất hơn 50.030m2 (chưa trừ lộ giới), trong đó diện tích xin thuê chính thức hơn 5.230m2, diện tích xin thuê tạm phục vụ thi công gần 39.300m2, diện tích công trình ngầm hơn 30.340m2; đối với phần đất đầu tư xây dựng công trình nổi trên mặt đất có diện tích hơn 5.230m2, cho thuê đất 50 năm.”

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh qua xem xét tờ trình nói trên của Sở Tài nguyên và Môi trường đã chấp thuận cho Công ty IUS được giao thuê đất để thực hiện dự án và giao cho Sở Tài chính và Cục Thuế thành phố xem xét, xác định đơn giá thuê đất.

Tuy nhiên, Sở Tài chính cho rằng phần diện tích hơn 5.230m2 để xây dựng các “công trình nổi trên mặt đất” không được nêu trong giấy chứng nhận đầu tư và hợp đồng BOT, nên ngày 2/4/2010 đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế thành phố xác định xem phần diện tích đó có được miễn tiền sử dụng đất hay không, để có ý kiến tổng hợp, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố.

Về phía chủ đầu tư IUS có quan điểm rằng, căn cứ thiết kế cơ sở đã được thẩm định, các “công trình nổi trên mặt đất” này là các lối đi lại và giếng trời nên phần diện tích hơn 5.230m2 là diện tích “thông hành địa dịch.”

Diện tích để xây dựng các công trình này nằm trọn trong diện tích chiếm dụng mặt đất công viên đã được Sở Quy hoạch-Kiến trúc chấp thuận và là một phần không thể tách rời của dự án, như đã được thẩm định tại thiết kế cơ sở và được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư như chủ trương của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua việc miễn tiền sử dụng đất, thuê đất và miễn thuế sử dụng đất theo như hợp đồng BOT của dự án.

Từ khi xuất hiện vướng mắc khái niệm trên, IUS đã ba lần có công văn giải trình (các ngày 15/3, 7/4 và 21/4) gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố, các sở Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và Cục Thuế thành phố nhưng vướng mắc chưa được giải tỏa, khiến chủ đầu tư "kêu" bị thiệt hại rất lớn.

Chưa biết thiệt hại của chủ đầu tư lớn đến đâu nhưng việc dự án chậm tiến độ đã ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch tăng cường, mở rộng diện tích giao thông tĩnh, diện tích bãi đậu xe của thành phố và những mong chờ từ người dân có chỗ đậu xe ngày càng cao, sẽ tiếp tục phải “treo” một thời gian mà chưa biết đến khi nào.

Công trình bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám có tổng mức đầu tư trên 100 triệu USD, với tổng diện tích mặt bằng hơn 103.000m2, trong đó khu bãi đậu xe ngầm gồm năm tầng hầm có tổng diện tích khoảng 70.300m2 , sức chứa 2.025 xe máy, 1.250 ôtô và gần 30 xe buýt đậu cùng lúc.

Công trình được thực hiện trên phần diện tích gần 29.300m2, chiếm 47% diện tích Công viên Lê Văn Tám, dự kiến được thực hiện trong 30 tháng./.

Hoàng Liên Sơn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục