Các hội nghị, hoạt động bên lề Hội nghị ASEAN 22

Lãnh đạo 4 nước Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines ngày 25/4 đã tham dự Hội nghị cấp cao Khu vực Tăng trưởng Đông ASEAN lần 9.
Lãnh đạo bốn nước Đông Nam Á gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines ngày 25/4 đã tham dự Hội nghị cấp cao Khu vực Tăng trưởng Đông ASEAN (BIMP-EAGA) lần thứ 9, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 22 tại Brunei.

Tại hội nghị, lãnh đạo 4 nước đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc thành lập BIMP-EAGA như một điểm đến của du lịch sinh thái và trung tâm lương thực của khu vực, cũng như việc hợp tác kinh tế trong BIMP-EAGA nhằm ủng hộ tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Bên cạnh đó, lãnh đạo 4 nước còn nhấn mạnh tới tính cấp thiết của việc thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên BIMP-EAGA.

Theo thống kê của Hội nghị cấp cao lần thứ 9 BIMP-EAGA, tổng kim ngạch thương mại của BIMP-EAGA đã tăng 70%, từ 100 tỷ USD trong năm 2009 lên 170 tỷ USD trong năm 2011, trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực tăng 129%, từ 24 tỷ USD lên 55 tỷ USD.

[ASEAN tái khẳng định quan trọng an ninh Biển Đông]

Cùng ngày, lãnh đạo và đại diện các nước Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng đã tham dự Hội nghị cấp cao Tam giác Phát triển (IMT-GT) lần thứ 7. Các nước tham gia hội nghị IMT-GT lần thứ 7 đã ký thỏa thuận thành lập Trung tâm Hợp tác tiểu vùng IMT-GT (CIMT), trụ sở tại Malaysia. Trung tâm này mang nhiệm vụ củng cố các cam kết cụ thể của 3 nước thành viên trong việc hợp tác, đóng góp quan trọng trong việc đưa ra các chương trình và dự án của IMT-GT.

IMT-GT, được thành lập từ năm 1993, nhằm tăng cường thúc đẩy kinh tế và thay đổi tiểu vùng IMT-GT thông qua khai thác các thế mạnh cạnh tranh. Hiện toàn bộ 10 tỉnh của đảo Sumatra của Indonesia, 8/11 bang của Malaysia và 14 tỉnh miền Nam Thái Lan là thành viên của IMT-GT.

Cũng trong ngày 25/4, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 22, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và người đồng cấp Thái Lan Yingluck Shinawatra đã hội đàm về vấn đề biên giới giữa hai nước.

Phát biểu với báo giới, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia Kao Kim Hourn cho biết Thủ tướng Hun Sen và Thủ tướng Shinawatra đã nhất trí khuyến khích người dân dọc biên giới hai nước duy trì mối quan hệ tốt đẹp, thúc đẩy thương mại và đầu tư. Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo còn cam kết tránh để xảy ra các cuộc đụng độ vũ trang.

Tranh cãi giữa Campuchia và Thái Lan về chủ quyền vùng đất quanh đền Preah Vihear vốn tồn tại nhiều năm qua và đã trở nên căng thẳng kể từ khi ngôi đền này được đưa vào danh sách Di sản thế giới hồi tháng 7/2008. Tại đây đã diễn ra nhiều cuộc đụng độ giữa quân đội hai nước, làm hàng chục người thiệt mạng và khiến người dân khu vực biên giới nhiều lần phải sơ tán tránh thương vong.

Hồi tháng 4/2011, Campuchia đã đề nghị Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) làm sáng tỏ về phán quyết năm 1962 liên quan tới khu vực tranh chấp quanh ngôi đền cổ nằm trên biên giới giáp Thái Lan này. Theo đó, ICJ đã ra phán quyết đền Preah Vihear thuộc về Campuchia nhưng không nói rõ về vùng đất xung quanh nên đến nay hai nước vẫn tranh cãi về chủ quyền khu vực đó.

Từ ngày 15 đến 19/4 vừa qua, phái đoàn của Campuchia và Thái Lan đã trình bày quan điểm trong cuộc điều trần trước ICJ. Theo kế hoạch, tòa án này sẽ ra phán quyết cuối cùng về vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Campuchia và Thái Lan vào cuối năm nay./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục