Indonesia và Nhật Bản tăng cường hợp tác khí đốt

Tập đoàn năng lượng BPMigas của Indonesia vừa ký Bản ghi nhớ với Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản để phát triển ngành khí đốt,
Tập đoàn năng lượng BPMigas của Indonesia vừa ký Bản ghi nhớ (MoU) với Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) để phát triển ngành khí đốt, và ký thỏa thuận hợp tác với các công ty Mitsui và Sumitomo của Nhật Bản về trao đổi và chia sẻ chuyên môn và kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực khí đốt.

Chủ tich BPMigas, ông Priyono cho biết sự hợp tác nói trên sẽ giúp Indonesia tiếp tục phát triển và mở rộng ngành công nghiệp khí đốt, nâng cao năng lực cung cấp cho thị trường trong nước nhờ tận dụng được kinh nghiệm và chuyên môn từ các công ty và các nhà đầu tư Nhật Bản.

Đặc biệt, JBIC, với kinh nghiệm nhiều năm đầu tư ở Indonesia, có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thuyết phục các nhà đầu tư lớn của Nhật Bản tham gia phát triển ngành công nghiệp khí đốt nói riêng và ngành năng lượng nói chung của Indonesia.

BPMigas sẽ tập trung hợp tác với Sumitomo trong lĩnh vực phát triển khí đốt cho phát điện, và với Mitsui để phát triển các mỏ khí đốt trong nước có quy mô nhỏ và vừa. Trong vòng 3 đến 6 tháng, hai bên sẽ hoàn tất phân tích khả thi về các dự án quy hoạch cho tương lai gần. Dự trữ tiềm năng của các mỏ khí tự nhiên ở ven bờ biển của Indonesia ước khoảng 40.000 tỷ m3 tiêu chuẩn.

Giám đốc tài chính khu vực châu Á và châu Đại dương của JBIC, Noboyuki Higashi, nói rằng việc mở rộng tổng công suất cung cấp khí đốt tự nhiên là cần thiết để đảm bảo nguồn cung ổn định cho tiêu dùng trong nước của Indonesia, và trong khuôn khổ hợp tác, Mitsui sẽ giới thiệu công nghệ khí nén, cho phép các nhà sản xuất khí đốt vận chuyển khí đốt từ vùng sâu vùng xa đến các khu vực tiêu thụ lớn.

Ông Priyono cho biết, theo MoU nói trên, Chính phủ Indonesia cũng đưa ra một mô hình kinh doanh mới, trong đó nhà đầu tư khai thác khí đốt và các nhà thầu không được xuất khí đốt ra bên ngoài, mà sẽ chỉ được dùng để đáp ứng trước hết cho nhu cầu trong nước.

Trước đó, Phó Tổng thống Indonesia Boediono đã nói rằng Indonesia sẽ thay đổi phương thức quản lý khí đốt, một nguồn doanh thu quan trọng của nước này, khi một nửa sản lượng được dành cho xuất khẩu.

Trong tương lai, khí đốt tự nhiên phải trở thành động cơ của tăng trưởng kinh tế khi tăng cung cho các ngành công nghiệp địa phương.

Người phát ngôn Pradnyana của BPMigas cho hay, hãng vọng các ngành công nghiệp Nhật Bản sẽ quan tâm đến việc di chuyển các cơ sở sản xuất của họ đến Indonesia để tiếp cận gần hơn với các nguồn dự trữ tài nguyên dồi dào của đất nước "Vạn Đảo."

Ông nói: "Tôi tin rằng, với sự hiện diện của Sumitomo và Mitsui, các công ty khác của Nhật Bản cũng sẽ quan tâm đầu tư vào Indonesia."

Sản xuất khí đốt của Indonesia đã liên tục tăng trưởng kể từ năm 2007, với sản lượng 7.460 triệu foot khối tiêu chuẩn mỗi ngày (mmscfd) năm 2008, so với mức 7.283 mmscfd năm 2007, và tăng lên 7.962 mmscfd năm 2009 và 8.888 mmscfd năm 2010.

Indonesia hiện là nhà xuất khẩu khí đốt hóa lỏng lớn thứ ba thế giới, sau Qatar và Malaysia./.

Việt Tú (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục