Chương trình giải cứu tài sản xấu ở Mỹ bị hoài nghi

Giới chuyên gia Mỹ hoài nghi kết quả của Chương trình Giải cứu tài sản xấu về giảm nhẹ tác động tiêu cực cuộc khủng hoảng tài chính.
Bất chấp giới chức Mỹ tuyên bố rằng Chương trình Giải cứu các tài sản xấu (TARP) đã thành công vì nó giảm nhẹ được tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và mang lại lợi nhuận cho người đóng thuế khi các ngân hàng hoàn trả các khoản cứu trợ, giới chuyên gia vẫn không hết hoài nghi về thành công này.

Nhật báo Phố Wall số ra ngày 17/3 nêu rõ quan điểm cho rằng đây là chương trình hiệu quả nhất trong thời gian gần đây của Nhà Trắng là sai lầm. Các chuyên gia lập luận rằng Bộ Tài chính Mỹ đã không minh bạch trong chương trình này.

Tháng Mười năm ngoái, Tổng Thanh tra đặc biệt TARP đã chỉ trích bộ này không công bố một cách thỏa đáng việc thay đổi cách đánh giá hiệu quả chương trình này, trong đó hạ mức thua lỗ của tập đoàn bảo hiểm Mỹ AIG.

Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng bị chỉ trích vì chỉ tập trung vào việc các ngân hàng đã hoàn lại tiền cứu trợ mà không xem xét các khoản tiền khổng lồ mà người đóng thuế Mỹ phải chi cho các chương trình không thuộc TARP, trong khi các chương trình này một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đã giúp các ngân hàng lớn hoàn lại tiền cứu trợ.

Các chương trình này của Bộ Tài chính và Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lớn hơn nhiều so với TARP và cũng không được giải trình rõ ràng.

Theo Nhật báo Phố Wall, bất kỳ một sự đánh giá nào về mức độ thành công của TARP cũng phải xem xét và tính toán đến sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa tất cả các chương trình của chính phủ nhằm hỗ trợ cho hệ thống tài chính và sự chuyển đổi chi phí giữa các chương trình này.

Nhận định trên của giới chuyên gia về hiệu quả của TARP được đưa ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ ngày 8/3 cho biết tính đến thời điểm này Chính phủ Mỹ đã thu hồi 70% số tiền cứu trợ 411 tỷ USD đã được giải ngân của chương trình này.

Chương trình TARP, trị giá 700 tỷ USD, được chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush lập ra nhằm mua lại các cổ phần và tài sản của các thể chế tài chính để tăng cường lĩnh vực tài chính đang gặp khủng hoảng của Mỹ.

Chương trình này đã được ông Bush ký thành luật hồi tháng 10/2008 và đây được coi là biện pháp mạnh mẽ nhất của chính quyền Mỹ nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng thế chấp thời điểm đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục