Đổi mới tư duy trong vấn đề cung cấp dịch vụ công

Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội là một chức năng nhiệm vụ chủ yếu của Nhà nước và là quyền lợi, trách nhiệm của toàn xã hội.
Sáng 18/1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo công bố Báo cáo "Đổi mới quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, y tế và hưu trí ở Việt Nam."

Báo cáo đã tập trung phân tích một cách toàn diện đổi mới trong tư duy và cách tiếp cận về vai trò của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công; đồng thời, đưa ra một số kiến nghị về đổi mới, hoàn thiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, các cơ quan Chính phủ trong bảo đảm dịch vụ giáo dục, y tế và hưu trí.

Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho biết, trong bối cảnh phát triển mới, khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình và đang nỗ lực hướng đến mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 thì vấn đề chuyển đổi vai trò và thiết kế lại các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong tổ chức dịch vụ công vẫn đặt ra nhiều khía cạnh cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ. Bởi vậy, kết quả nghiên cứu của Báo cáo này có ý nghĩa rất thiết thực phục vụ cho quá trình hoạch định chính sách nhằm đổi mới hiệu quả, chất lượng cung ứng dịch vụ công ở Việt Nam.

Còn theo ý kiến của bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Viện CIEM, báo cáo bước đầu đã xác định vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước. Tuy nhiên, liều lượng còn quá ít, lại chung chung, chưa đi vào vấn đề một cách thực sự đối với lĩnh vực hưu trí.

Với nội dung trong báo cáo rất khó có thể hình dung một cách rõ ràng vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước cũng như thực trạng thực hiện nội dung nào để có căn cứ kiến nghị chính sách "đổi mới."

Để tăng sức thuyết phục và giá trị của báo cáo, tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần xác định rõ trách nhiệm bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội là một chức năng nhiệm vụ chủ yếu của Nhà nước gắn liền với phát triển kinh tế và là quyền lợi, trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó, bảo hiểm xã hội phải là trụ cột chính trong các chính sách chủ đạo về an sinh xã hội; đồng thời, cần xây dựng thí điểm chính sách hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp tham gia bảo hiểm hưu trí tương tự như bảo hiểm y tế nhằm thu hút, khuyến khích người dân tham hia ban đầu và giảm gánh nặng lâu dài của ngân sách Nhà nước.

Chuyên gia kinh tế cao cấp, tiến sỹ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả trong đổi mới quản lý Nhà nước trong vực giáo dục, y tế và hưu trí ở Việt Nam, việc tạo khung pháp luật và giao trách nhiệm cho các chủ thể xã hội khác là rất cần thiết nhằm khắc phục tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi của các Bộ là rất cần thiết.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nhấn mạnh vào các vấn đề khác như vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước, các Bộ, ngành trong lĩnh vực giáo dục, y tế và hưu trí ở Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực xã hội: hàm ý cho Việt Nam./.

Thúy Hiền (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục