Bắc Kạn: Hơn 1.000ha rừng mỡ bị sâu ong phá hoại

Sau một thời gian được khống chế, nạn sâu ong bùng phát trở lại gây thiệt hại nặng nề trên diện tích hơn 1.000ha rừng mỡ tại Bắc Kạn.
Sau một thời gian được khống chế, đến thời điểm này, sâu ong đã bùng phát trở lại gây thiệt hại nặng nề trên diện tích hơn 1.000ha rừng mỡ tại Bắc Kạn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Kạn, trong số diện tích rừng mỡ bị sâu ong phá hoại, huyện Chợ Đồn có hơn 580ha, huyện Pác Nặm khoảng hơn 400ha, huyện Chợ Mới hơn 20ha và huyện Bạch Thông trên 10ha.

Ngay khi sâu ong xuất hiện trở lại, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Kạn đã chỉ đạo các địa phương cùng với bà con tích cực phát dọn, xử lý thực bì sạch sẽ để tránh sâu có điều kiện thuận lợi phát triển, đồng thời tập trung diệt trừ sâu ong bằng cách dùng cuốc, xẻng xới đều và rắc thuốc trừ sâu lên mặt đất, tiến hành ngắt bỏ ổ trứng đem tiêu hủy.

Tuy nhiên, ở một số nơi, nhân dân vẫn còn chủ quan với tình hình phát triển của loại sâu hại này nên đã tạo điều kiện cho sâu phát triển diện rộng. Trong khi đó, nông dân hiện vẫn chưa có phương thuốc hữu hiệu để diệt trừ loài sâu này.

Thu bắt sâu ong bằng tay là biện pháp hữu hiệu nhất đang được nhiều địa phương huy động các đoàn thể cùng vào cuộc. Tuy nhiên, do rừng mỡ phân tán, cây cao, địa hình núi cao hiểm trở nên việc phòng trừ vẫn hết sức khó khăn.

Để khống chế và diệt trừ sâu ong hiệu quả, không để lây lan diện rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Kạn khuyến cáo bà con nên kiểm tra thường xuyên rừng mỡ, phát hiện kịp thời sâu ong để xử lý; tìm và ngắt bỏ ổ trứng, sâu non đem tiêu hủy; xới đất để rắc các loại thuốc như Diaphos, Diazol, Vibasu...

Ngoài ra, cần phát quang dây leo, cây bụi quanh tán mỡ và tỉa cành gốc để cây thông thoáng trước khi rắc thuốc. Đối với diện tích cây mỡ còn thấp có thể dùng thuốc để phun như Ofatox, Patox, Gà nòi...

Sâu ong có sức tàn phá rất lớn, chỉ sau một đêm các cánh rừng mỡ sẽ bị sâu ong ăn trụi lá. Đặc biệt sâu ong phát triển nhiều trên những cánh rừng mỡ từ 4-5 tuổi, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và có thể làm chết cây.

Vòng đời của sâu ong chỉ từ 30-35 ngày nhưng sau đó chúng lại chui xuống đất làm tổ. Như vậy, một năm bà con trồng mỡ phải hứng chịu hai đợt tàn phá của sâu ong, nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời sẽ gây thiệt hại lớn./.

Đức Hiếu (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục