Châu Á: Cấp vốn thương mại yếu, việc làm thiếu hụt

ADB khảo sát để xem xét mối quan hệ giữa tài chính thương mại với việc tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế của các doanh nghiệp.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong quý 4/2012 đã tiến hành một cuộc khảo sát các doanh nghiệp và các ngân hàng ở châu Á để xem xét đánh giá mối quan hệ giữa tài chính thương mại với việc tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế của các doanh nghiệp trong khu vực.

Kết quả cho thấy trong năm 2011 các công ty đang hoạt động tại các nước đang phát triển ở châu Á thiếu gần 425 tỷ USD vốn.

106 ngân hàng được khảo sát cho biết trong tổng vốn vay gần 2.100 tỷ USD được các doanh nghiệp ở châu Á đề nghị, chỉ có 1.675 tỷ USD được đáp ứng, nguyên nhân là do khả năng thanh toán yếu kém của các ngân hàng chi nhánh, xếp dạng tín dụng thấp và hệ thống ngân hàng kém phát triển ở các nước đang phát triển.

Trong khi đó, ở cấp độ toàn cầu, đã có 1.600 tỷ USD không được đáp ứng trong tổng vốn vay đề nghị 4,600 tỷ USD của các doanh nghiệp.

Quan chức cấp cao ADB phụ trách cấp vốn thương mại, Steven Beck nói rằng sự thiếu hụt đáng kể trong đáp ứng nhu cầu vốn của các công ty xuất-nhập khẩu đã ảnh hưởng rất lớn đến tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á, trong khi cấp vốn thương mại để hỗ trợ các giao dịch xuất nhập khẩu lại rất quan trọng đối với thương mại quốc tế.

Ông Steven Beck nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối quan hệ giữa cấp vốn thương mại, tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, với dẫn chứng 138 công ty được hỏi ý kiến cho biết sản xuất của họ có thể tăng 2% và số việc làm cũng sẽ tăng 2% nếu mức vốn vay được hỗ trợ cho họ tăng 5%.

Ông Steven Beck nêu rõ Chương trình cấp vốn thương mại (TFP) của ADB chính là nhằm lấp những khoảng trống trên thị trường cấp vốn thương mại, thông qua cung cấp bảo lãnh và cho vay đối với các ngân hàng để hỗ trợ thương mại. Chỉ riêng trong năm 2012, trong khuôn khổ TFP, ADB đã hỗ trợ 4 tỷ USD cho thương mại thông qua 2.032 giao dịch liên quan đến 1.577 doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chương trình cấp vốn thương mại hiện đang hoạt động ở 18 quốc gia, và tập trung vào các thị trường nghèo nhất. Sáu quốc gia hoạt động tích cực nhất của Chương trình cấp vốn thương mại là Bangladesh, Mông Cổ, Pakistan, Sri Lanka, Uzbekistan và Việt Nam, và hiện đang mở rộng tới Myanmar./.

Việt Tú/Jakarta (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục