Thực hiện hiệu quả chương trình kinh tế-xã hội

Kinh tế Việt Nam đã sớm vượt qua thời điểm khó khăn nhất, cơ bản ngăn chặn suy giảm kinh tế và đạt tốc độ tăng trưởng hợp lý.
Trong chương trình phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành cả ngày 7/5 để cho ý kiến đối với Báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2009 và tình hình triển khai những nội dung này trong năm 2010.

Ủy ban đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2009 và bốn tháng đầu năm 2010.

Thẩm tra Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình kinh tế-xã hội năm 2009, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010 của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng năm 2009 là năm có nhiều biến động và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, bằng việc ban hành kịp thời, đồng bộ các chính sách kinh tế và xã hội cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện, kinh tế Việt Nam đã sớm vượt qua được thời điểm khó khăn nhất, hoàn thành cơ bản các mục tiêu nêu trong Nghị quyết của Quốc hội là ngăn chặn suy giảm kinh tế và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý với 17 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết của Quốc hội, tám chỉ tiêu không đạt kế hoạch.

Tăng trưởng kinh tế (GDP) cả năm đạt mức 5,32%, cao hơn so với số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội là 5,2%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2009 so với tháng 12/2008 tăng 6,52%, thấp hơn số ước thực hiện 7% đã báo cáo Quốc hội.

Ủy ban Kinh tế cho rằng so với năm trước, các cân đối vĩ mô chưa được cải thiện nhiều, vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Tám chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch chủ yếu tập trung ở lĩnh vực xã hội, trong đó đào tạo nguồn nhân lực có hai chỉ tiêu và môi trường có bốn chỉ tiêu.

Về tình hình kinh tế bốn tháng đầu năm 2010, Ủy ban Kinh tế đánh giá, mặc dù mới là những tháng đầu năm, nhưng chỉ số giá tiêu dùng đã tăng cao, đặt ra những thách thức rất lớn cho việc thực hiện mục tiêu CPI tăng không quá 7% trong năm. Việc tiếp cận nguồn vốn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn rất khó khăn.

Nhập siêu bốn tháng đầu năm vẫn ở mức cao, ước 4,65 tỷ USD, trong bối cảnh cán cân thanh toán tổng thể năm 2009 đã thâm hụt 8,8 tỷ USD đang tiếp tục gây sức ép đến thị trường ngoại hối và tỷ giá.

Ủy ban Kinh tế kiến nghị Chính phủ từng bước giảm bớt mức thắt chặt chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đủ vốn, duy trì sản xuất và đảm bảo tính thanh khoản của nền kinh tế. Việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện hiện nay cần được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Đồng thời, Chính phủ cần đẩy mạnh thực hiện đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính trong đầu tư, xây dựng, trong kê khai nộp thuế, chính sách tiêu thụ hàng hóa ở thị trường nội địa, tuyển dụng lao động, chỉ đạo thực hiện tốt cơ chế, chính sách về giải phóng mặt bằng...

Ủy ban cũng kiến nghị kiểm soát giá các hàng hóa thiết yếu, trong đó chủ yếu sử dụng biện pháp kinh tế, hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính; chủ động áp dụng các giải pháp điều tiết cung-cầu và bình ổn thị trường; tăng đầu tư cho bệnh viện đa khoa khu vực, bệnh viện lao, tâm thần, ung bướu, nhi khoa và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng núi, vùng khó khăn.

Thẩm tra Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2009, triển khai dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010, Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội kiến nghị Chính phủ cần đặt mục tiêu giảm bội chi ngân sách Nhà nước trong những năm tới làm mục tiêu ưu tiên hàng đầu để đảm bảo tình hình tài chính quốc gia vững mạnh trong trung và dài hạn, góp phần kiểm soát lạm phát và đảm bảo ổn định vĩ mô.

Ủy ban Tài chính-Ngân sách  cũng khiến nghị Chính phủ cần thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; xây dựng chiến lược quốc gia về chính sách tiền tệ, lấy ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát làm mục tiêu dài hạn của chính sách tiền tệ.

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu đồng tình, nhất trí cao với báo cáo của các cơ quan đại diện cho Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các ủy ban của Quốc hội.

Băn khoăn về vấn đề cân đối vĩ mô, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai mong muốn Chính phủ dành sự quan tâm đến mức bội chi ngân sách.

“Bội chi như hiện nay là quá lớn. Thu ngân sách năm 2009 vượt dự toán trên 52 tỷ đồng nhưng lại không sử dụng một phần để giảm bội chi là chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước. Do vậy, ngay từ thời điểm này, cần có sự quyết tâm để chuẩn bị cho năm sau tiếp tục hạ mức bội chi ngân sách xuống còn 5,5% và tiến tới mức giảm còn 5%,” bà Mai khẳng định.

Đề cập đến lộ trình tăng giá một số mặt hàng thiết yếu, nhiều đại biểu chỉ ra bất cập khi Chính phủ kêu gọi các ngành, các cấp, các địa phương có chính sách bình ổn giá nhưng ngay từ đầu năm Chính phủ lại cho tăng giá xăng đã tác động trực tiếp đến hàng loạt mặt hàng khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thị Thu Ba bày tỏ làm như vậy, người dân thấy Chính phủ không nghiêm túc. Chính phủ cần xem lại thời điểm tăng giá; trong khi tiền lương chưa tăng nhưng giá cả hàng hóa đã tăng nhiều làm cho mức sống người dân càng thêm khó khăn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng với những sản phẩm chủ lực về mặt chiến lược, có tác dụng cân đối nền kinh tế, khi có sự thay đổi về chính sách cần được báo cáo rõ và giải thích cho người dân hiểu. Nên chăng Chính phủ tiến hành điều chỉnh cơ chế quản lý điều hành một số lĩnh vực thiết yếu.

Các vấn đề về chỉ đạo, điều hành thống nhất nguồn vốn an sinh xã hội để mang lại hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới; cân đối lượng điện dành cho xuất khẩu với lượng tiêu thụ trong nước, tránh ảnh hưởng tới sản xuất của các doanh nghiệp; điều hành lãi suất cho vay; huy động vốn trái phiếu Chính phủ; chất lượng công tác dự báo, thống kê... cũng được nhiều đại biểu đề cập.

Kết luận ngày làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định trong điều kiện quy mô kinh tế và quy mô ngân sách còn nhỏ, năm 2009, Việt Nam đã chặn được đà suy giảm kinh tế, đảm bảo tiền của đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội, điều này thể hiện đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của các ngành, các cấp, các địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu 10 điểm đáng chú ý trong năm nay; trong đó, thách thức lạm phát tăng cao trở lại, bội chi ngân sách và nhập siêu ở mức cao, việc làm và đời sống nhân dân chưa được cải thiện nhiều là vấn đề cần quan tâm, chỉ đạo, thực hiện cho được các chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cần chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình nợ và quản lý nợ trung và dài hạn, đảm bảo an toàn vững chắc an ninh tài chính quốc gia.

Ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh đến việc xử lý mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực thị chính sách tài chính tiền tệ, tạo điều kiện về vốn cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; việc quản lý giá và lộ trình thực hiện các nguyên tắc thị trường trong quản lý giá với mục tiêu trước tiên là ổn định; xem xét tổng thể việc chi tiêu công; rà soát đưa ra những nguyên tắc, tiêu chí trong việc ứng vốn trong các công trình đầu tư nhằm tạo ''cú huých'' chuyển đổi kinh tế...

Các vấn đề về phát hành trái phiếu Chính phủ, đánh giá nghiêm túc khách quan hơn cơ chế lãi suất thỏa thuận đồng loạt thời gian qua, thực hiện Nghị quyết “Tam nông” của Trung ương, việc ban hành văn bản mang tính pháp quy... cũng được Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định cần phải lưu tâm trong năm 2010./.

Quang Vũ-Thanh Vân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục