Hy Lạp nối lại vòng đàm phán về điều kiện giải ngân

Tối 10/10, Hy Lạp đã tiến hành vòng đàm phán mới với EU và IMF về điều kiện giải ngân phần cứu trợ mới từ hai thể chế tài chính này.
Tối 10/10, Hy Lạp đã tiến hành vòng đàm phán mới với Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về điều kiện giải ngân phần cứu trợ mới từ hai thể chế này, cũng như kế hoạch của Athens kéo dài chương trình điều chỉnh tài chính thêm hai năm.

Trong vòng đàm phán lần này, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yannis Stournaras sẽ phải hoàn tất gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" lên tới 13,5 tỷ euro (17,4 tỷ USD) mà Athens cam kết thực hiện trong thời gian hai năm (2013-2014) trước khi EU và IMF giải ngân phần cứu trợ trị giá 31,5 tỷ euro, dự kiến vào tháng 11 tới.

Ông Stournaras cũng phải thúc đẩy kế hoạch bao gồm 89 cải cách cơ cấu trong khu vực nhà nước, thị trường lao động và hệ thống thuế như những hành động ưu tiên trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 18/10 hoặc Hội nghị khẩn cấp Khu vực đồng euro nhằm nhận được số tiền có ý nghĩa sống còn nói trên.

Theo tính toán mới đây nhất của Athens, nếu không nhận được khoản cứu trợ mới, Hy Lạp sẽ "cạn sạch tiền" vào tháng 1/2013 và sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ gây rối loạn.

Chương trình điều chỉnh tài chính kéo dài đến năm 2016 sẽ khiến ngân sách của Hy Lạp thiếu hụt từ 12-15 tỷ euro mà không được khỏa lấp bằng bất kỳ khoản hỗ trợ tài chính thêm nào từ các đối tác châu Âu.

Athens muốn giải quyết phần thiếu hụt này thông qua phát hành trái phiếu mới, sử dụng các khoản vay đã được IMF thông qua và giảm lãi suất vay đối với gói cứu trợ đầu tiên từ EU và IMF.

Trong khi đó, các nghiệp đoàn và đảng đối lập ở Hy Lạp tuyên bố sẽ tổ chức đình công và biểu tình để phản đối gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" và chương trình cải cách.

Cùng ngày, hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) đã hạ xếp hạng nợ nhà nước của Tây Ban Nha xuống BBB- với lý do kinh tế xứ sở "Bò tót" suy thoái sâu khiến Madrid khó đưa ra những lựa chọn về chính sách đề chặn đứng đà tụt dốc này.

Thông báo của S&P nêu rõ khả năng của các thể chế chính trị ở Tây Ban Nha trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng, nảy sinh từ cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính hiện nay, đang suy yếu.

Quyết định trên của S&P tương đương với quyết định của hãng xếp hạng tín dụng Moody's đưa mức xếp hạng này của Tây Ban Nha xuống Baa3. Cả hai công ty này đều khẳng định tín nhiệm nợ của Tây Ban Nha chỉ trên mức "rác" một chút.

Theo các nhà quan sát, việc S&P hạ xếp hạng nợ của Tây Ban Nha, đồng thời đánh giá triển vọng của nước này ở mức "tiêu cực," chứng tỏ hãng này đã nhận thấy những nguy cơ tiềm tàng đe dọa tăng trưởng kinh tế và hoạt động ngân sách của Tây Ban Nha, đồng thời cho thấy rõ tình trạng thiếu đường hướng rõ ràng trong các chính sách của Khu vực đồng euro.

Cũng trong ngày 10/10, Ủy ban Ngân sách thuộc Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua kế hoạch đề nghị EU dành 25,4 triệu euro (37,2 triệu USD) hỗ trợ hàng nghìn người thất nghiệp trong khu vực đang tìm kiếm việc làm mới.

Theo kế hoạch trên, khoảng 4.700 người ở Ireland, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển và Tây Ban Nha có thể được hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao tay nghề và tìm việc làm mới. Tiền hỗ trợ sẽ được lấy từ Quỹ điều chỉnh toàn cầu hóa của EU.

Quỹ này hoạt động từ năm 2009 với mức trần hàng năm là 500 triệu euro (645 triệu USD) để giúp đỡ những người bị mất việc làm do hậu quả của tiến trình toàn cầu hóa hay khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Hội đồng châu Âu sẽ xem xét kiến nghị trên của Ủy ban Ngân sách EP trong tuần tới trước khi trình EP thông qua tại phiên họp toàn thể vào cuối tháng này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục