Nâng chuẩn niêm yết để tăng "chất" cho thị trường

Theo Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính tại Việt Nam (VAFI), hiện còn nhiều hàng hóa có chất lượng chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. VAFI đề xuất doanh nghiệp muốn niêm yết tại sàn HoSE phải có vốn điều lệ trên 120 tỷ đồng, tại sàn HNX phải có vốn trên 40 tỷ đồng.
Hiện nay, tổng số doanh nghiệp niêm yết tại 2 sàn chứng khoán HoSE và HNX là 519 doanh nghiệp (doanh nghiệp, chưa tính sàn Upcom), trong đó, sàn HoSE là 229 doanh nghiệp, sàn HNX là 290 doanh nghiệp.

So với quốc tế, số lượng doanh nghiệp trên không phải là nhỏ, bởi rất nhiều doanh nghiệp nổi tiếng tham gia niêm yết trên 2 sàn. Tuy nhiên, vẫn có sự thiếu vắng đại diện của một số ngành được xem đang phát triển mạnh mẽ hiện nay.

Thị trường vẫn chưa đủ hàng hóa

Theo Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính tại Việt Nam (VAFI), hiện còn nhiều hàng hóa có chất lượng chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Cụ thể là ngành viễn thông, như MobiFone, VinaPhone…Nếu các “đại gia” này tiếp tục chậm trễ trong việc cổ phần hóa, có thể sẽ bỏ lỡ “cơ hội vàng”. Vì không còn bao lâu nữa thị trường cung cấp dịch vụ viễn thông sẽ tới điểm bão hòa, tốc độ tăng trưởng của ngành chậm, cộng với vốn điều lệ lớn nên không còn nhiều hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Sau viễn thông là các doanh nghiệp ngành khai thác khoáng sản, ngành dầu khí và ngành xăng dầu, rất nhiều nhà đầu tư đang trông chờ vào cổ phần hóa Tập đoàn Khoáng sản (TKV), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Xăng dầu.

Tuy nhiên, việc cổ phần hóa cả tập đoàn nhà nước không thể diễn ra nhanh vì vấn đề đặt ra là cần phải xác định 1 “mức giá hợp lý” thì tiến trình cổ phần hóa các tập đoàn mới thành công. Cho nên trong trung hạn, thị trường chứng khoán vẫn chưa thể mong đợi các hàng hóa trên sẽ lên sàn.

Đối với khu vực tư nhân trong nước (ngoại trừ lĩnh vực ngân hàng), không còn nhiều doanh nghiệp lớn, kinh doanh hiệu quả mà chưa niêm yết. Nhưng với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thì còn rất nhiều hàng hóa tiềm năng.

Tuy nhiên, theo VAFI thì những doanh nghiệp FDI lớn trực thuộc các tập đoàn đa quốc gia thuờng ít tham gia cổ phần hóa và niêm yết tại thị trường bản địa, nhất là những thị trường còn kém phát triển như Việt Nam, mà thường họ lựa chọn niêm yết tại nước của họ vì thuận lợi trong việc huy động vốn.

Còn những doanh nghiệp FDI được thành lập tại Việt Nam trên cơ sở góp vốn của các cá thể hay các doanh nghiệp nhỏ của nước ngoài thì thường không phải là những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả như doanh nghiệp trong nước.

Chính vì vậy, hàng hóa trên thị trường chứng khoán vẫn chưa thật sự hấp dẫn và phong phú với các nhà đầu tư hiện nay.

Cần nâng chuẩn niêm yết

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký VAFI, để bổ sung hàng hóa vào thị trường thêm phong phú, nhưng không phải theo số lượng mà cần thêm hàng có chất lượng cao. Cụ thể, sẽ có một bộ phận doanh nghiệp niêm yết từ sàn HoSE không đủ tiêu chuẩn phải được chuyển sang sàn HNX, một bộ phận doanh nghiệp đang niêm yết tại sàn HNX chuyển sang sàn Upcom.

Bên cạnh đó, phải đẩy nhanh việc bán bớt cổ phần nhà nước tại nhiều doanh nghiệp niêm yết bằng nhiều hình thức như bán dần theo lộ trình, bán toàn bộ cho nhà đầu tư chiến lược hoặc thực hiện phương án hợp nhất sát nhập với những doanh nghiệp mạnh…

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm nhà nước, cần có chính sách không cho phép thành lập các doanh nghiệp mới, đồng thời nâng tiêu chuẩn vốn điều lệ tại các tổ chức tài chính trên để giảm đáng kể số tổ chức tài chính, tập trung nguồn lực, giảm thiểu tình trạng cạnh tranh gay gắt và không lành mạnh.

Cũng theo VAFI, qui định tiêu chuẩn niêm yết tại Nghị định số 14/2007/NĐ-CP ngày 19/1/2007 của Chính phủ về việc hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán không còn phù hợp với sự phát triển của thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay.

Tại sàn HoSE, doanh nghiệp xin niêm yết phải có vốn điều lệ trên 80 tỷ đồng, phải có lãi 2 năm trước thời điểm niêm yết… (Điều 8 của NĐ 14/2007/NĐ-CP). Tại sàn HNX, doanh nghiệp xin niêm yết phải có vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng, phải có lãi 1 năm trước khi niêm yết (Điều 9 của Nghị định 14).

Doanh nghiệp bị hủy niêm yết tại hai sàn khi không đáp ứng được yêu cầu về vốn điều lệ, kết quả sản xuất kinh doanh bị lỗ trong 3 năm liên tục và tổng số lỗ lũy kế lớn hơn vốn chủ sở hữu (Điều 14 của Nghị định 14).

So với thời điểm trước đây, việc ra Nghị định 14 đã khuyến khích được hàng trăm doanh nghiệp tích cực tham gia thị trường chứng khoán, làm phong phú hàng hóa cho thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, hiện nay đã có một bộ phận doanh nghiệp niêm yết không có nhiều tiến bộ trong quản trị doanh nghiệp, kể cả trong một số trường hợp gặp may mắn huy động được vốn cổ phần nhưng hiệu quả kinh doanh kém, thậm chí thua lỗ liên tục. Chưa kể, tiêu chuẩn niêm yết thấp đã dẫn tới tình trạng có một bộ phận doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả được tham gia niêm yết, điều đó chẳng những gây rủi ro trong đầu tư chứng khoán cho các nhà đầu tư mà còn làm xấu đi môi trường đầu tư.

Trong khi đó, khoảng 80% là nhà đầu tư cá nhân trong nước tham gia giao dịch chứng khoán, nhưng phần lớn lại chưa được trang bị những kiến thức cơ bản về đầu tư chứng khoán, chỉ đầu tư theo phong trào, theo tin đồn mà không nhận biết được giá trị đích thực của chứng khoán.

Chính vì vậy, thời gian qua đã xảy ra tình trạng nhiều loại cổ phiếu nhỏ, kinh doanh thua lỗ hoặc không hiệu quả bị làm giá, dẫn tới giá quá ảo, gây thiệt hại cho nhà đầu tư không có kinh nghiệm.

VAFI đề xuất doanh nghiệp muốn niêm yết tại sàn HoSE phải có vốn điều lệ trên 120 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ (mức bình quân của 3 năm trước khi niêm yết ) phải ở mức khoảng từ 20% hoặc 25% trở lên, kết quả sản xuất kinh doanh bị lỗ trong 3 năm liên tục thì phải bị hủy niêm yết, kể cả trong trường hợp nguồn vốn chủ sở hữu vẫn còn lớn hơn 120 tỷ đồng, mức bình quân của tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ (lấy tại thời điểm niêm yết) của 5 năm niêm yết liên tục phải trên 15%.

Tương tự, tại sàn HNX (không tính sàn Upcom), doanh nghiệp phải có vốn điều lệ trên 40 tỷ đồng trở lên, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ phải ở mức khoảng từ 10% trở lên, kết quả sản xuất kinh doanh bị lỗ trong 3 năm liên tục thì phải bị hủy niêm yết, kể cả trong trường hợp nguồn vốn chủ sở hữu vẫn còn lớn hơn 40 tỷ đồng, mức bình quân của tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ của 5 năm niêm yết liên tục phải trên 10% .

Đối với việc niêm yết của các quỹ đầu tư chứng khoán thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng 30% quỹ đầu tư công chúng trở lên./.

Hải Yên (Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục