Chứng khoán 2010: Cuộc chơi ngày càng khó hơn

Nhà đầu tư chứng khoán trong nước được khuyên rằng, nếu cứ giữ lối đầu tư theo phong trào, sẽ trở thành “miếng mồi ngon” cho các nhà đầu tư ngoại.
Theo lời khuyên của nhiều chuyên gia, trong thời gian tới, nếu cứ giữ lối đầu tư theo phong trào, không chế ngự được lòng tham, các nhà đầu tư chứng khoán sẽ trở thành “miếng mồi ngon” cho các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài.

Bước vào một năm mới, các nhà đầu tư lại sửa soạn cho những cuộc chinh phục mới trên thị trường chứng khoán. Nhưng những biến động của thị trường năm 2009 có thể coi là “liều thuốc” thử bản lĩnh và trình độ của nhà đầu tư. Năm 2010, cuộc chơi sẽ ngày càng khó hơn.

Chế ngự lòng tham

Xuất phát từ 313 điểm vào đầu năm 2009, VN-Index về mốc 400 điểm vào những ngày cuối cùng của năm. Những tưởng mọi người sẽ vui với sự tăng trưởng này, nhưng thực tế cho thấy, vẫn có nhiều nhà đầu tư lại mất tiền khi thị trường rơi từ 630 điểm xuống sát 400 điểm, mất đến 30%.

Thậm chí, nhiều người còn cho rằng sự thua lỗ của nhiều nhà đầu tư ở thời điểm này còn lớn hơn so với thời điểm VN-Index rơi từ đỉnh 1.000 điểm xuống còn 800 điểm. Nguyên nhân của thua lỗ này được nhiều chuyên gia lý giải là do lòng tham của nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), đã chia sẻ với báo giới rằng năm 2009 một lần nữa cho thấy sự phát triển thiếu vững chắc của thị trường chứng khoán. Quá nhiều người trượt theo tâm lý muốn thị trường lên, lên và lên, nhưng lên bao nhiêu mới hài lòng?

Khi VN-Index ở 230 điểm, người ta mong đến 300 điểm. Đến 300 điểm lại mong đến 500 điểm. Ở mức 500 điểm chưa thỏa, lại mong đến 700 điểm…

Lòng tham của con người là vô tận, nhưng thị trường lại chỉ có một sự thật. Đó là chỉ khi thị trường tăng trưởng vững chắc thì mới không xảy ra cảnh có quá nhiều nhà đầu tư mất tiền vì sự tham lam và nhẹ dạ của chính mình, ông Hưng đúc kết.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm này, ông Quách Mạnh Hào - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long (TSC), cũng nhấn mạnh kinh nghiệm đầu tiên là không được tham. Kinh nghiệm thứ hai là khi bạn nhận định thị trường không rõ ràng thì không nên sử dụng đòn bẩy tài chính, nghĩa là vay mượn, để đầu tư, đặc biệt là vay nóng, ngắn hạn.

Nếu bạn đầu tư bằng tiền của bạn thì hãy coi đó đơn giản như một khoản tiết kiệm. Tất cả những điều này sẽ giúp bạn ổn định tâm lý khi đầu tư. Lòng tham và sự thua lỗ xét ra vẫn là bài học không hề cũ của năm 2009. Nếu nhìn vào đường đi nước bước của các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài trong năm qua thì có lẽ các nhà đầu tư trong nước càng “thấm” hơn về bài học này.

Các nhà đầu tư nước ngoài không còn là những nhà đầu tư dài hạn và đầu tư theo truyền thống như cách thông thường của họ nữa. Họ đã nhạy bén với chiến thuật lướt sóng. Khi thị trường xuống thì mua ròng và khi thị trường hơi nhích lên thì bán ròng. Phải khẳng định rằng, xác suất chiến thắng của họ bao giờ cũng lớn hơn các nhà đầu tư trong nước.

Bởi ngay cả với chiến thuật lướt sóng, họ cũng làm bài bản: xuống bao nhiêu thì cắt lỗ, lên bao nhiêu thì chốt lãi. Và những nhà đầu tư trong nước thiếu kiến thức, kinh nghiệm đã là những người “ngã sóng” của họ.

Để khắc phục những nhược điểm này, một lãnh đạo của Công ty chứng khoán Click & Phone đã khuyên các nhà đầu tư rằng bước vào năm 2010, nếu ai không thạo chuyện lướt sóng trên thị trường thì nên trở thành các nhà đầu tư trung hạn trên thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán đang trong xu thế đi lên, nhà đầu tư nên mua dần vào mỗi khi thị trường điều chỉnh từ 20-30% và để trạng thái đầu tư trung hạn.

Nhà đầu tư nên thực hiện bán ra khi đạt được mục tiêu lợi nhuận. Sau khi thực hiện bán ra, nhà đầu tư chỉ nên cân nhắc tham gia lại trong đợt điều chỉnh tiếp theo của thị trường. Không nên quá vội vàng tham gia vào thị trường mà mất đi phần lợi nhuận kiếm được. Trong xu hướng thị trường đi lên dài hạn, việc đầu tư theo chiến lược này là rất thành công và an toàn, cộng với việc nhà đầu tư sẽ chỉ phải thực hiện rất ít giao dịch.

Bản lĩnh và niềm tin

2009 được coi là năm thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tin đồn. Theo thống kê, có khoảng 30% doanh nghiệp niêm yết từng hứng chịu tin đồn. Có tin đơn thuần là đồn thổi, nhưng không ít trường hợp là thông tin thật, từ chính nội bộ phát ra.

Không còn chỉ là những thông tin liên quan đến tình hình tài chính, lãnh đạo doanh nghiệp cũng bị rơi vào “tầm ngắm”. Rồi những tin đồn theo kiểu doanh nghiệp niêm yết chia thưởng, phát hành thêm và cả việc gói kích cầu thứ hai không được thông qua... cũng xuất hiện với tần suất dày đặc.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải hơn một lần ra văn bản yêu cầu các công ty chứng khoán hướng dẫn nhà đầu tư thận trọng với tin đồn sai lệch. Mỗi lần thông tin được đưa ra là thị trường chứng kiến sự chao đảo về tâm lý của các nhà đầu tư. Thậm chí, khi thông tin chưa được rõ ràng, nhiều nhà đầu tư đã bán quá đà cổ phiếu, bán với mức giá quá rẻ so với giá trị của cổ phiếu, để rồi sau đó phải mua vào ở mức giá cao hơn.

Nhận xét về câu chuyện này, ông Nguyễn Tiến Trung, Phòng phát triển khách hàng của Công ty chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nhà đầu tư cần phải nắm bắt thông tin, nhưng quan trọng hơn là phải luyện được bản lĩnh trước các thông tin thu nhận được.

Ông Trung cũng chia sẻ kinh nghiệm, để có thể xử lý nhanh nhạy và ra quyết định đầu tư khi nắm bắt được thông tin, nhà đầu tư phải có kiến thức về tài chính. Những kiến thức này luôn cần được cập nhật, bổ sung. Điều này đa số các nhà đầu tư Việt Nam đều thiếu. Thị trường chứng khoán là thị trường của niềm tin, khá nhiều chuyên gia lạc quan đặt niềm tin vào sự phát triển của thị trường trong năm 2010.

Ông Vũ Hữu Điền, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital, nhận định: “Năm 2010, mặc dù có những lo ngại lạm phát sẽ quay trở lại cũng như thâm hụt mậu dịch và cán cân thanh toán. Tuy nhiên, với việc chính phủ đã sớm can thiệp để ổn định kinh tế vĩ mô, tôi nghĩ thị trường chứng khoán Việt Nam 2010 sẽ ổn định hơn”.

Hiện nay, trên thị trường chứng khoán, giá trị nhiều công ty tương đối hấp dẫn. Nếu P/E 2009 là 11,5 lần, thì P/E 2010 chỉ khoảng 10,5, tương đối hấp dẫn đề đầu tư trung và dài hạn. Mặt khác, năm 2010 chúng ta còn nhiều điểm thuận lợi như Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2010, thể hiện mục tiêu chú trọng tăng trưởng ổn định chứ không phải hy sinh để tăng trưởng.

Tăng trưởng nhưng vẫn phải kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy vậy, ông Điền cũng đưa ra một số cảnh báo cần lưu ý, đó là thâm hụt ngân sách và lạm phát có thể quay trở lại. Bên cạnh đó, dù thị trường thế giới đang phục hồi nhưng cũng chưa thể dự đoán được, còn gập ghềnh.

Năm 2009 đã khép lại, mang theo những mất mát và sự hối tiếc của nhiều nhà đầu tư. Nhưng cũng chính từ những bài học đó sẽ làm dày thêm hành trang, giúp các nhà đầu tư bản lĩnh hơn, sáng suốt hơn khi bước vào cuộc chơi mới./.

Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục