Làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật tài nguyên nước

UBTVQH nhất trí rằng phạm vi điều chỉnh của Luật tài nguyên nước phải bao hàm cả nước biển, để đảm bảo ý nghĩa chủ quyền lãnh thổ.
Sáng 16/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII tiếp tục chương trình phiên họp thứ 4, thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật tài nguyên nước.

Dự án Luật Tài nguyên nước gồm 81 điều, 10 chương, quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

Cho ý kiến vào dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng yêu cầu cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự luật xem xét lại phạm vi điều chỉnh của Luật.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật tài nguyên nước phải bao hàm cả nước biển, để đảm bảo ý nghĩa chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên, cần nghiên cứu làm rõ hơn về giới hạn vùng nước biển nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật, đảm bảo phù hợp với Công ước quốc tế về Luật biển và thống nhất với các Luật liên quan khác.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhận xét, dự thảo luật còn nhiều điều khoản, nội dung mang tính định hướng, chính sách, vì vậy ban soạn thảo cần nghiên cứu chỉnh sửa lại theo hướng cụ thể và rõ ràng hơn.

Cùng chung ý kiến với một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung một số khái niệm pháp lý, quy định chi tiết hơn về hoạt động hợp tác quốc tế trong quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tổng kết ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo cần tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Chính phủ và phối hợp với các cơ quan liên quan của Quốc hội để điều chỉnh lại dự thảo luật.

Cơ quan soạn thảo cần tập trung nghiên cứu làm rõ hơn về phạm vi điều chỉnh của luật; bổ sung các điều luật liên quan đến hoạt động hợp tác quốc tế; quy định chặt chẽ hơn về quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, đơn vị tham gia quản lý, sử dụng và khai thác nguồn nước; đồng thời tiếp tục nghiên cứu và đưa ra phương án xây dựng luật trong việc quy định hoạt động quy hoạch tài nguyên nước theo vùng, lưu vực sông hay quy hoạch liên tỉnh./.

Xuân Khu (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục