ASEAN triển khai bước đi tiến tới cộng đồng chung

Ngày 8/8, nhiều thành viên ASEAN tự hào kéo cờ ASEAN bay cao cùng quốc kỳ của mỗi nước trước các đại sứ quán và công sở chính.
Hôm nay (8/8), nhiều thành viên trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) tự hào kéo cờ ASEAN bay cao cùng quốc kỳ của mỗi nước trước các đại sứ quán và công sở chính của họ trên thế giới.

Đây được xem là dấu hiệu mang tính biểu trưng đầu tiên cho thấy Hiệp hội ASEAN đang phấn đấu để trở thành một cộng đồng đơn nhất vào năm 2015.

Sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh Hiệp hội ASEAN đang tự tin tiến lên phía trước sau khi Hiến chương ASEAN bắt đầu có hiệu lực được 2 năm rưỡi.

Trên thực tế, việc trở thành cộng đồng không biên giới và có gần 600 triệu dân không thể diễn ra một sớm một chiều nên sẽ còn rất nhiều việc cần phải làm trước khi hiện thực hóa ước mơ về một khu vực Đông Nam Á thống nhất trong tiến trình hội nhập.

Vì thế, 10 nước thành viên cần có nghĩa vụ và trách nhiệm cơ bản thực thi tất cả những nghị định thư và hiệp định đã ký kết thành công.

Theo báo Dân tộc ở Bangkok, các nước ASEAN đã nhất trí tiến hành kéo cờ ASEAN trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Hiệp hội, dù có một số nước có thể lúc đầu mới chỉ cử hành Hiệp hội ca ASEAN hay những hoạt động khác mà chưa thể thực hiện được ngay do gặp khó khăn về tài chính.

Các hoạt động này được tổ chức trong bối cảnh ngày 8/8 hàng năm đã trở thành một ngày mang ý nghĩa quan trọng đối với người dân các nước trong Cộng đồng gia đình ASEAN ngày càng phát triển.

Giá trị thực của Hiệp hội ASEAN nằm ở hình ảnh của khối và tâm điểm nền tảng rất đặc trưng thu hút sự can dự của các nước lớn. Các nước đối thoại hiểu rõ rằng ASEAN không là mối đe dọa và cũng không phải là kẻ thù của ai.

Trong thập niên qua, các cường quốc trên thế giới đã thường dùng diễn đàn ASEAN để tăng cường quan hệ và lòng tin lẫn nhau. Cuộc gặp thượng đình tay ba Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc được hồi sinh năm 2008 sau khi lâm vào bế tắc năm 2003 là một trong các ví dụ. Ngoài ra, triển vọng mở các cuộc hòa đàm mới giữa hai miền Triều Tiên đã được nhen lên từ Hội nghị của Hiệp hội ASEAN tại Bali (Indonesia) tháng trước.

Cả Mỹ và Trung Quốc thường dùng nơi diễn ra các hội nghị của khu vực để đưa ra những xét đoán về quyền lực và thương thảo. Hiện giờ các bộ trưởng quốc phòng và quan chức an ninh (khu vực) đang có các diễn đàn riêng để thảo luận về những vấn đề cùng quan tâm.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là người hiểu tiềm năng to lớn và giá trị chiến lược của khối ASEAN hơn những tiền nhiệm của bà, khi việc thúc đẩy ASEAN cũng có nghĩa là thúc đẩy các lợi ích của Mỹ.

Mỹ và Nhật Bản đã mở Văn phòng thường trực tại Ban Thư ký ASEAN và bà Clinton gửi thư thúc giục Hàn Quốc nhanh chóng lập một văn phòng tương tự như thế.

Tính tới tuần trước, đã có gần 1/3 số thành viên của Liên hợp quốc đã trao tín thư ngoại giao thiết lập quan hệ với ASEAN và Vatican là đối tác mới nhất.

Hội nghị quan trọng nhất của khu vực năm nay sẽ là việc đưa các nhà lãnh đạo cấp cao của 18 nước có diện tích lớn nhỏ và ảnh hướng khác nhau tới để thảo luận về những chương trình nghị sự liên quan đến khu vực và thế giới. Đây sẽ là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ can dự trực tiếp với Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ bằng chương trình nghị sự của mình.

Danh tiếng của ASEAN đang gia tăng nhờ vào giá trị của tổ chức hoạt động dựa vào pháp luật và quá trình xây dựng cộng đồng lấy nhân dân làm trung tâm.

ASEAN tự hào về bản Hiến chương có nội dung ngắn hơn bản Hiệp ước Lisbon của Liên minh châu Âu, được viết bằng một thứ tiếng (tiếng Anh) và có Hiệp hội ca cùng một khẩu hiệu “Một tầm nhìn, Một đặc tính, Một cộng đồng” (One Vision, One Identity, One Community).

Một số nhà phân tích cho rằng một thách thức lớn đang đặt ra với Hiệp hội ASEAN là làm sao giữ được vai trò trung tâm. Với việc “sức khỏe” kinh tế và sự phát triển thịnh vượng của ASEAN ngày càng gắn kết với các nền kinh tế phương Tây thì bất kỳ điều gì có thể làm tổn hại tới những mối quan hệ đó đều không được khuyến khích.

Điều đáng nói nữa là trong bốn thập niên qua, Hiệp hội chỉ là một tổ chức tham vấn đơn thuần mà chưa có cơ chế bắt buộc thực hiện. Nay Hiệp hội đang thay đổi tư duy và đã chuyển thành một tổ chức mà đưa ra mọi quyết định đều sẽ ảnh hưởng tới khu vực và thế giới. Việc này đòi hỏi các nước cần nỗ lực nâng cao “văn hóa thực thi” khi vai trò của khối đang mở rộng./.

Ngọc Tiến/Bangkok (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục