Dệt may Thái Lan đẩy mạnh sản xuất ở ASEAN

Chủ tịch Hội các doanh nghiệp dệt may Thái Lan cho biết các nhà sản xuất Thái Lan đang hướng tới các địa bàn đầu tư mới thuộc ASEAN.
Chủ tịch Hội các doanh nghiệp dệt may Thái Lan Sukij Kongpiyacharn vừa cho biết các nhà sản xuất Thái Lan đang hướng tới các địa bàn đầu tư mới thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Indonesia, Việt Nam, Myanmar và Campuchia để duy trì đà phát triển và làm ăn có lãi.

Động thái trên được triển khai trong bối cảnh chi phí sản xuất tại xứ “chùa Vàng” sẽ tăng lên, nhất là sau khi Chính phủ Thái Lan bắt đầu nâng lương tối thiểu cho người lao động lên 300 baht (khoảng 10 USD)/ngày từ đầu tháng 4 tới.

Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may của nước này cũng đang gặp nhiều khó khăn sau trận lũ lụt, vốn tác động mạnh đến những cơ sở trong dây chuyền sản xuất của họ.

Theo Hội các doanh nghiệp dệt may Thái Lan, tiềm năng mở rộng sản xuất ở Myanmar và một số nước ASEAN là rất lớn, trong khi mức lương tối thiểu tại các nước láng giềng đang thấp hơn khá nhiều.

Cụ thể, lương của công nhân ở Campuchia hiện nay là 60 USD/tháng và tại Việt Nam là khoảng 130 USD/tháng, so với mức 200-300 USD/tháng ở xứ “chùa Vàng.” Vì thế, có khả năng Thái Lan sẽ trở thành nơi sản xuất những mặt hàng cao cấp và là trung tâm giao dịch, buôn bán trong khu vực.

Ông Sukij hiện là giám đốc của Hong Seng Knitting, đang vận hành các nhà máy sản xuất hàng dệt may ở Trung Quốc và Việt Nam, trong đó một nhà máy mới ở Việt Nam đang thu hút khoảng 3.000 lao động.

Báo “Dân tộc” ở Bangkok đưa tin Tập đoàn Hi-tech dự kiến sẽ đưa nhà máy thứ hai ở Việt Nam vào sản xuất trong tháng này. Nhà máy có vốn đầu tư 12,8 triệu USD và sẽ thu hút trên 3.000 nhân công./.

Ngọc Tiến (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục