Hàng vi phạm bản quyền chủ yếu là hàng tiêu dùng

Theo đại diện Cục Điều tra Chống buôn lậu, hầu hết các loại hàng giả, hàng nhái vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bị bắt giữ là hàng tiêu dùng.
Tại Hội nghị đối thoại “Hải quan - chủ thể quyền về công tác chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” với doanh nghiệp được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5/12, đại diện Cục Điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, hầu hết các loại hàng giả, hàng nhái vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bị phát hiện và bắt giữ là hàng tiêu dùng, được đưa vào Việt Nam qua nhiều con đường.

Với phương thức hải quan hiện đại và hội nhập kinh tế sâu, với các dòng thuế nhập khẩu giảm mạnh, tội phạm kinh tế theo hướng gian lận thương mại sẽ giảm dần và thay vào đó là các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo ông Trần Việt Hưng, Đội phó Đội Kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ - Cục Điều tra Chống buôn lậu, hiện nay hàng giả, hàng nhái vào Việt Nam từ nhiều thị trường chứ không tập trung vào Trung Quốc, Hong Kong nữa, mà cả hàng nhập từ Nga, Singapore cũng không bảo đảm như trước đây.

Điển hình như mặt hàng rượu nhập từ Nga về, hải quan đã phát hiện ngoài việc vi phạm về nhãn mác, lô hàng rượu đó khi mang đi giám định chất lượng cũng không đáp ứng được tiêu chuẩn rượu trắng của Việt Nam, cơ quan hải quan đã chuyển hồ sơ cho công an để truy tố. Hiện tại, có khả năng cao doanh nghiệp trong nước đặt hàng theo những tiêu chí riêng rồi nhập khẩu về.

Ông Trần Việt Hưng cho biết thêm, số lượng hàng giả, hàng nhái bị bắt giữ tập trung vào những mặt hàng như quần áo, giày dép, mỹ phẩm… Hàng thường được xé lẻ để vận chuyển nên rất khó phát hiện, bắt giữ và xử lý, đặc biệt ở khu vực biên giới có tới 90% hàng nhập lậu là hàng giả, hàng nhái vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Do việc xé lẻ vận chuyển nên mặc dù các lực lượng khác như công an, quản lý thị trường làm rất ráo riết nhưng không thể ngăn chặn hết, điều này đồng nghĩa với việc thẩm lậu một lượng lớn hàng vi phạm vào nội địa; trong đó nguy hiểm nhất là các mặt hàng ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng như thực phẩm, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.

Trong năm 2011, lực lượng hải quan đã bắt giữ và xử lý nhiều hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có 14.400 chai rượu; 11.439 mũ bảo hiểm; 1.320 bàn là các loại; 2.960 viên thuốc Viagra, 216 viên thuốc Cialis; 95.000 bao thuốc lá; 1.691 điện thoại di động.

Tại hội nghị, Cục Điều tra Chống buôn lậu đã ký kết biên bản ghi nhớ về quy chế phối hợp với Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) nhằm xây dựng một nhịp cầu trao đổi thông tin, ngặn chặn thành công hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả, bảo vệ quyền lợi của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng./.

Liên Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục