Cho ý kiến chỉnh lý Luật khiếu nại và Luật tố cáo

Chủ nhiệm văn phòng QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp... đều cho rằng cần khẳng định tố cáo nặc danh, mạo danh không được chấp nhận.
Sáng 23/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII tiếp tục thảo luận những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau về dự án Luật khiếu nại và cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tố cáo.

Giải quyết những vấn đề thực tế cuộc sống đặt ra

Mặc dù đã thảo luận từ chiều 22/8 nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có sự thống nhất cao về việc có hay không quy định về khiếu nại đông người trong Luật khiếu nại?

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, khiếu nại đông người là vấn đề phức tạp hiện nay, diễn ra ở nhiều nơi trong cả nước. Khi có nhiều người cùng khiếu nại về một quyết định hành chính, tức là có một hoặc nhiều nội dung trong quyết định ấy có liên quan đến lợi ích của họ.

Ông Ksor Phước cho rằng, nếu cần thiết, nên có hẳn một chương về khiếu nại đông người, quy định rất cụ thể, chặt chẽ, không thể cứ thấy vấn đề khó, phức tạp lại lảng tránh bởi nhiệm vụ của Luật là điều chỉnh các mối quan hệ để đảm bảo trật tự xã hội.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị cần nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề khiếu nại đông người, là một thực tế đang diễn ra nhưng có quy định trong Luật hay không còn là vấn đề phải xem xét, cân nhắc kỹ.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện tiếp tục cho rằng không nên quy định vấn đề khiếu nại đông người trong Luật. Theo ông Hiện, việc quy định một trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại đông người bên cạnh trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong một Luật là bất hợp lý. Phải có một khái niệm chung về khiếu nại, có trình tự, thủ tục giải quyết như nhau; không thể ban hành Luật để giải quyết cho từng trường hợp mà cần có tính chất bao quát, toàn diện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, trên thực tế, khiếu nại đông người vẫn diễn ra, không thể không xử lý trên phương diện luật pháp, vấn đề là xử lý như thế nào? Về nguyên tắc, trình tự, thủ tục giải quyết là chung, vấn đề đặt ra là có chấp nhận việc nhiều người cùng đứng tên chung trong một đơn hay vẫn duy trì việc mỗi người một đơn như trước đây?

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề phức tạp, nhiều vấn đề liên quan chưa thể hình dung hết, trước mắt nên giao Chính phủ, sau này nếu hợp lý sẽ quy định trong Luật. Nếu đã đưa vào Luật, cần quy định một cách hoàn chỉnh, mục đích là để đảm bảo an ninh, trật tự, tránh được tình trạng lợi dụng gây rối.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào thông tin thêm, từ 2005-2008, cả nước có 3.829 đoàn đông người (5 người/đoàn trở lên), hiện đã giải quyết được 87%. Theo ông Hào, để giải quyết dứt điểm khiếu nại đông người, trước hết phải giải quyết vấn đề chính sách; đề cao công tác tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục, cùng đó là xem xét, kết luận và giải quyết rõ ràng.

Ông Lê Tiến Hào cũng đồng tình, nếu không quy định vấn đề này thì sẽ có khó khăn trong giải quyết, tuy nhiên nếu đưa ngay vào Luật có thể chưa “chín”, chưa đáp ứng được thực tiễn, trước mắt nên quy định ở mức Nghị định, sau này có thể điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, pháp luật nói chung và Luật khiếu nại nói riêng phải giải quyết được những vấn đề mà thực tế cuộc sống đặt ra, gắn với quyền và lợi ích của người dân. Luật hóa vấn đề khiếu nại đông người ở mức độ thế nào là việc phải chuẩn bị thấu đáo, sẽ tiếp tục thảo luận trong phiên họp sau.

Không chấp nhận tố cáo nặc danh

Dự án Luật tố cáo được trình xin ý kiến về một số vấn đề lớn như phạm vi điều chỉnh; người có quyền tố cáo; hình thức tố cáo và bảo vệ người tố cáo.

Liên quan đến vấn đề người tố cáo, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần mở rộng quy định người có quyền tố cáo bao gồm cả cơ quan, tổ chức; thừa nhận quyền tố cáo của cơ quan, tổ chức để nâng cao trách nhiệm với cộng đồng và cũng là một biện pháp bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức.

Trong trường hợp này, cũng cần nghiên cứu quy định cụ thể về cách thức để cơ quan, tổ chức thực hiện quyền tố cáo cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong trường hợp tố cáo sai, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Dự thảo đã bổ sung các hình thức tố cáo bằng thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn với các hình thức tố cáo này vì trong điều kiện hiện nay ở nước ta, cơ chế, nguồn lực, phương tiện kỹ thuật để quản lý, kiểm tra, xác minh các thông tin tiếp nhận bằng các hình thức trên còn nhiều hạn chế. Do đó, chưa nên quy định tố cáo bằng các hình thức này trong Luật.

Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, vấn đề quan trọng không phải tố cáo theo hình thức nào mà là nội dung thông tin tố cáo có đầy đủ, chính xác hay không, tố cáo phải có đủ họ tên, địa chỉ của người tố cáo, nội dung tố cáo trung thực, rõ ràng. Khi tiếp nhận tố cáo theo bất cứ hình thức nào, cơ quan có thẩm quyền đều phải tiến hành xem xét, đánh giá bước đầu các thông tin về người tố cáo và nội dung tố cáo, nếu chính xác và có căn cứ để kiểm tra, xác minh mới tiến hành thụ lý để giải quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện... đều cho rằng cần khẳng định trong Luật: Tố cáo nặc danh, mạo danh không được chấp nhận; tránh tình trạng lợi dụng tố cáo sai sự thật, tràn lan, vô căn cứ, gây phức tạp, mất đoàn kết nội bộ, làm tốn kém thời gian, công sức của cơ quan tổ chức có trách nhiệm.

Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương. Bà Nương cho rằng, đây cũng là việc định hướng trách nhiệm xã hội của công dân ngày một văn minh, dân chủ hơn.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cần có cơ chế xem xét phục vụ công tác quản lý, điều hành đối với những tố cáo nặc danh nhưng có nội dung cụ thể, rõ ràng vì thực tế hiện nay do cơ chế bảo vệ người tố cáo ở nước ta còn chưa hiệu quả nên chưa khuyến khích được công dân mạnh dạn đấu tranh một cách công khai, trực diện với những hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội. Nếu bỏ qua, có khả năng bỏ lọt hoặc xử lý không kịp thời.

Trước ý kiến cho rằng quy định về việc bảo vệ người tố cáo còn chung chung, khó khả thi, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào cho rằng, khó có thể quy định cụ thể ngay trong Luật vấn đề bảo vệ người tố cáo do nguồn lực bảo đảm cũng như kinh nghiệm thực tế về vấn đề này ở nước ta còn hạn chế. Do đó xin phép chỉ quy định mang tính nguyên tắc trong Luật còn các nội dung cụ thể như về biện pháp bảo vệ, trình tự, thủ tục tiến hành, cơ chế, điều kiện bảo đảm... giao cho Chính phủ quy định chi tiết trong các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, những quy định về bảo vệ người tố cáo cần được rà soát, nghiên cứu thiết kế hợp lý hơn để đảm bảo tính khả thi.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần bổ sung quy định việc giữ liên hệ giữa cơ quan có thẩm quyền với người tố cáo bởi thực tế, người tố cáo gặp nhiều khó khăn “hậu tố cáo.”/.

Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục