Kịch HN tìm lại mình

Kịch Hà Nội: Tìm lại được mình trong mắt công chúng

Sức hấp dẫn của những vở chính kịch ra mắt gần đây nằm ở chính những nhân vật và những vấn đề của thực tế đời sống mà họ thể hiện.
Trong khoảng hơn mười năm trở lại đây, nói tới sân khấu kịch Hà Nội, chủ yếu người ta chỉ nhắc đến những vở hài kịch. Tuy nhiên, thời gian qua, một số vở diễn như “Ông không phải là bố tôi,” “Lời thề thứ chín,” “Nhà ôsin”… gây được tiếng vang, thu hút số lượng người xem khá lớn, dần tạo nên thế cân bằng giữa hài kịch-chính kịch và đến gần hơn với công chúng. Chính kịch trở lại Sân khấu kịch Hà Nội đã đi qua một chặng đường gập ghềnh. Giữa những khoảng lặng, vào lúc sân khấu truyền thống không có được vị trí thời thượng trong thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của công chúng thì những người đeo đẳng với nghệ thuật vẫn miệt mài giữ nghề, để sân khấu có thể sáng đèn. Theo Nghệ sỹ Ưu tú Lê Chức, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sỹ Sân khấu, thời gian vừa qua, sân khấu kịch thủ đô tồn tại một thực tế: Những chùm hài kịch [như “Đời cười,” “Nụ cười kẻ chợ”-PV] thu hút được số lượng người xem không hề nhỏ (hàng trăm người mỗi đêm diễn). Trong khi đó, có những vở chính kịch mang giá trị nhận thức sâu sắc [như vở “Nguyễn Trãi ở Đông Quan,” “Cát bụi”-PV] thì lại thưa vắng khán giả (chỉ có khoảng vài chục người xem mỗi đêm diễn). “Thậm chí, có vé mời, người ta cũng không mấy mặn mà, khán giả đến rạp rất thưa thớt,” đại diện Nhà hát Tuổi trẻ ngậm ngùi. Thế nhưng, từ khi “Ông không phải là bố tôi” (đạo diễn Phạm Trọng Thành) “Nhà ô sin” (đạo diễn-Nghệ sỹ Nhân dân Lê Khanh), “Lời thề thứ 9” (đạo diễn-Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Huyền, Nghệ sỹ Ưu tú Chí Trung)… được đưa lên sân khấu, số lượng khán giả trở lại với chính kịch tăng lên rõ rệt. [Phục dựng vở “Lời thề thứ chín” kỷ niệm Ngày 22/12] Từ cuối năm 2012 cho tới nay, “Lời thề thứ 9” “Nhà ôsin” được diễn đều đặn, liên tục. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy trong thời gian tới. Vở diễn sẽ chỉ dừng lại khi nào khán giả từ chối và nói ‘không’ với nó,” Nghệ sỹ Ưu tú Chí Trung, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, chia sẻ. “Lời thề thứ 9” viết về mối quan hệ quân-dân. Thế nhưng, xét tới cùng, đó là câu chuyện của những bất công xã hội, của bộ máy quản lý xuống cấp, đẩy con người tới cảnh sống bần cùng. “Trước đây, đạo diễn-Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Huyền đã dàn dựng vở kịch này từ năm 1989. Chúng tôi đã diễn khoảng 300 suất tại hơn 40 địa phương trong cả nước để phục vụ khán giả. Sau hơn hai thập kỷ, vở diễn được phục dựng và vẫn có sức hút rất lớn với công chúng,” Nghệ sỹ Ưu tú Chí Trung cho hay. Bên cạnh đó, “Ông không phải là bố tôi” cũng thu hút được số lượng khán giả khá đông đảo. “Trong bối cảnh, nhiều vở chính kịch, mỗi đêm diễn chỉ có khoảng vài chục khán giả mà ‘Ông không phải là bố tôi’ thu hút được hàng trăm khán giả tới rạp là một điều rất ấn tượng,” Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Dũng chia sẻ. Tác phẩm cô đọng những thông điệp của nhà văn Lưu Quang Vũ về thói ích kỷ, sự cứng nhắc, giáo điều của con người khi đi ngược lại với những chuẩn mực đạo đức truyền thống: một người cha không dám nhận vợ con vì những khắc nghiệt của miền Bắc sau năm 1954; một người con nhận cha rồi lại không nhận (khi phát hiện bố mình cũng chỉ là “phế phẩm” trong suốt một thời kỳ).
Đến gần hơn với khán giả
“Ở ‘Nhà ô sin,’ mỗi chúng ta nhìn thấy chính chúng ta trong đó. Trong ‘Lời thề thứ chín,’Ông không phải là bố tôi,” mỗi chúng ta lại nhìn thấy hình ảnh của chính mình và của cả thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta. Người xem nhận ra ở đó cả những bi kịch, những điều ô trọc, xấu xa hiện hữu giữa cuộc đời này, mặc dù những kịch bản đó đã được Lưu Quang Vũ viết từ cách đây trên 20 năm,” Nghệ sỹ Ưu tú Lê Chức phân tích. Thực tế đó cho thấy một thực tế buồn: sân khấu kịch Bắc vẫn đang thiếu những kịch bản hay và những cây bút tài năng như Lưu Quang Vũ. Đi sâu vào các vở diễn đó sẽ thấy, sức hấp dẫn của chúng trước hết nằm ở chính những nhân vật, cũng như những vấn đề của thực tế đời sống mà họ thể hiện. [NSND Lan Hương: Kịch là phải diễn, không để vào tủ!] “Chính kịch hay hài kịch thì cũng đều vô cùng cần thiết trong cuộc sống hiện nay. Điều đó cũng giống như việc, bên cạnh những phút trầm tư, bình tĩnh để lắng lại, suy nghĩ và nhìn nhận lại cuộc sống thì con người cũng cần những phút thư giãn với những tiếng cười sảng khoái. Sân khấu phải hướng về công chúng bởi đó mới là nguồn nuôi dưỡng sân khấu. Nếu không có khán giả, vở diễn đem ‘cất đi’ thì đó là tác phẩm chết. Sau những giai đoạn trầm lắng, sân khấu kịch Thủ đô đã làm được điều đó,” nghệ sỹ Lê Chức bày tỏ.
Cùng với chính kịch và hài kịch truyền thống, loại hình kịch hình thể-thể nghiệm cũng ngày càng khẳng định được vị trí trong đời sống sân khấu với những vở diễn gây được tiếng vang như: “Tâm linh Việt,” “Được là chính mình," "Nguyễn Du với Kiều”…

“Thời gian qua, xung quanh những vở diễn ấy tồn tại những ý kiến trái chiều. Điều đó là rất khó tránh bởi: nghệ thuật là có sự hư cấu và phóng tác. Mỗi đạo diễn sẽ có cách nhìn, khai thác riêng và khán giả có quyền đưa ra cách hiểu và quan điểm của mình. Khi người ta bàn luận tức là người ta đã xem và dành sự quan tâm cho nó. Như vậy, tác phẩm đã ngày càng đến gần với công chúng hơn,” Nghệ sỹ Nhân dân Lan Hương, Trưởng đoàn Kịch hình thể chia sẻ.

Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục