Indonesia tiếp tục thâm hụt thương mại vào tháng 1

Indonesia tiếp tục thâm hụt thương mại trong tháng 1 mặc dù đã nỗ lực mở rộng các thị trường mới và khuyến khích xuất khẩu.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Indonesia tiếp tục thâm hụt thương mại trong tháng 1 mặc dù đã nỗ lực tìm kiếm và mở rộng các thị trường mới phi truyền thống và khuyến khích xuất khẩu, trong bối cảnh các thị trường đối tác thương mại chủ chốt là Mỹ và Liên minh châu Âu bị thu hẹp do tác động của những khó khăn xuất phát từ khủng hoảng kinh tế-tài chính.

Cơ quan thống kê Quốc gia Indonesia (BPS) cho biết nước này đã thâm hụt 171 triệu USD trong tháng đầu tiên của năm nay, khi cùng kỳ xuất khẩu đạt 15,38 tỷ USD, song nhập khẩu lên tới 15,55 tỷ USD, trong đó nhập khẩu dầu khí và các sản phẩm tăng lên mức 1,425 tỷ USD, là một trong những nhân tố chính đóng góp vào khoản thâm hụt nói trên.

Người đứng đầu BPS, ông Suryamin nói rằng mặc dù xuất khẩu hàng hóa phi dầu khí thặng dư 1.254 USD, song vẫn không đủ cho thâm hụt trong lĩnh vực dầu khí, và nhu cầu năng lượng trong nước vẫn cao, trong khi sản xuất dầu khí lại giảm do thiếu đầu tư vào nâng cấp các mỏ cũ cũng như vào tìm kiếm và khai thác các mỏ mới. Ngoài ra, Indonesia còn thâm hụt từ nhập khẩu ôtô và trái cây Thái Lan.

Ông Suryamin nói :”Indonesia nhập khẩu ôtô nhiều hơn từ Thái Lan bởi nước này là cơ sở của các công ty như Toyota và Honda, chưa kể chính phủ cũng đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng trong nước, vào khoảng 1,1 triệu chiếc/năm.”

Cuối 2012, Indonesia đã ghi nhận thâm hụt thương mại 1,63 tỷ USD, khi tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 190,4 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tới 191,67 tỷ USD. Đây là một cốt mốc đáng chú ý vì các năm trước đó nước này luôn thặng dư thương mại, trong đó năm 2011 thặng dư tới 26,06%.

Năm 2012, xuất khẩu của 7 trong 10 mặt hàng chủ lực của Indonesia đã bị giảm là nhiên liệu khoáng, chất béo và dầu của các loại chất béo thực vật, máy móc/thiết bị điện, cao su và sản phẩm từ cao su, quặng, kim loại, giấy/cáctông, và hàng may mặc phi dệt kim, và chỉ có 3 mặt hàng tăng là máy móc, thiết bị cơ khí, các loại xe và phụ tùng./.

Việt Tú/Jakarta (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục