Sinh viên làm... ôsin

Chuyện về những sinh viên làm nghề giúp việc nhà

Có thu nhập, không ảnh hưởng đến thời gian lên lớp, công việc lại khá đơn giản, vì thế rất nhiều sinh viên đi làm ôsin để kiếm tiền.
Có thu nhập, không ảnh hưởng đến thời gian lên lớp, công việc lại khá đơn giản, vì thế rất nhiều sinh viên đi làm giúp việc nhà để kiếm tiền.

Không chỉ là giúp việc cho nhà hàng quán ăn mà còn cả  giúp việc nhà, chăm sóc người già, trẻ nhỏ. Nhiều sinh viên sau một thời gian làm nghề này đã trở thành những "ôsin" thực thụ.

Cũng lắm chuyện vui buồn

Thanh Phương, sinh viên năm thứ 3 đại học Sư phạm 1 Hà  Nội đã đi làm nghề “ôsin” được gần 1 năm, công việc lấy đi quá nhiều thời gian nhưng cũng mang lại cho em một khoản thu nhập đều đặn hàng tháng.

Hiện Phương đang làm “ôsin” cho hai gia đình vào những khoảng thời gian khác nhau: một nhà thì làm từ 12 giờ đến 16 giờ, còn nhà kia thì từ  5 giờ chiều cho đến 10 giờ đêm. Tuy hai ca làm việc có thời gian khá gần nhau nhưng theo Phương thì "công việc cũng không quá nặng nhọc, nếu cố gắng thì trong ca làm vẫn có thời gian để nghỉ ngơi nên cũng không mệt lắm."

Công việc chủ yếu là làm việc nhà, chăm sóc người già hoặc trẻ nhỏ, Phương kể: “Một nhà em nhận phần việc cơm nước và chăm sóc hai ông bà già, còn việc kia là phải lo bữa cơm tối cho gia đình của một đôi vợ chồng trẻ. Tiền công thì tính theo giờ, thường thì là từ 10.000-12.000 đồng cho một giờ”.

Từ việc lo bữa ăn cho các nhà chủ, đón con, cho đến lau nhà và giặt quần áo, Phương sẽ làm trong 4 tiếng đồng hồ của ca làm việc. Phương kể: “Thỉnh thoảng vẫn có hôm mình ở lại nhà chủ hơn 4 tiếng vì họ đi làm về muộn. Nhưng hai nhà chủ mà mình làm rất biết điều, vẫn hay thưởng riêng ngoài tiền lương chính”.

Không chỉ đơn thuần là làm việc cho hộ gia đình như Phương, nhóm bạn của Hòa, sinh viên Cao đẳng Nhạc họa Trung ương, lại giúp việc theo kiểu trừ vào tiền thuê nhà. Hòa và 3 bạn cùng lớp thuê căn phòng hơn 1 triệu đồng. Nhà chủ phòng trọ lại có quán bán hàng ăn sáng nên đã đề nghị nhóm của Hòa xuống phụ giúp công việc bán hàng buổi sáng.

Hòa cùng nhóm bạn khẳng định: "Mình học chiều nên thời gian buổi sáng làm như thế cũng không ảnh hưởng nhiều. Công việc đơn giản nên khi được trừ vào khoản tiền nhà cũng là hợp lý. Giảm được tiền nhà nên bọn mình cũng đỡ căng thẳng hơn trong các khoản chi tiêu".

Tuy đi làm giúp việc nhưng không phải ai cũng được hưởng cảnh “thái bình” như Phương  hay nhóm bạn của Hòa mà có rất nhiều chuyện dở khóc dở cười của những nữ sinh viên đi làm ôsin.

Giang, sinh viên năm đầu của Đại học Công đoàn được bạn giới thiệu làm giúp việc cho gia đình hai vợ chồng trung niên. Không may cho Giang là đôi vợ chồng này thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, và rồi những bực tức công việc buôn bán của họ cũng vô cơ đổ lên đầu em.

Cho đến 1 hôm, khi đang làm công việc dọn dẹp nhà cửa, ông chủ Giang bất ngờ giở trò sàm sỡ. Trong lúc hai bên đang giằng co thì bà chủ về, và Giang bị vu cho cái tội lăng nhăng với ông chủ. Bị một trận đòn và không được nhận lương sau cả tháng trời làm việc khiến cho Giang sợ hãi và từ đó không bao giờ dám nghĩ đến việc kiếm tiền bằng nghề này nữa.

Còn Hoa thì nhận giúp việc cho một gia đình có hai vợ chồng cùng 3 người con có độ tuổi sàn sàn nhau. Mọi công việc dọn dẹp nhà cửa từ nấu cơm, giặt quần áo cho đến cọ rửa toilet Hoa đều hoàn thành.

Nhưng vợ chồng ông chủ cùng 3 người con lại thường xuyên sai vặt những công việc ngoài những việc nhà khiến cho Hoa phải quay như chong chóng trong 4 tiếng của ca làm việc. Quần quật từ 5 giờ chiều cho đến 9 giờ tối, nhiều lúc Hoa thất thểu về phòng trọ, lăn ra ngủ vì quá mệt mà quên cả quên ăn tối.

“Osin ư! Có sao đâu mà phải ngại”

Với nhiều bạn trẻ, khi hỏi về việc sinh viên đi làm ôsin, nhiều người có vẻ e ngại, lảng tránh và cho rằng không hợp lý. Nhưng bản thân những người đã và từng đi làm nghề này, và ngay cả những nhà chủ có thuê sinh viên giúp việc, lại thấy nó rất hợp lý và còn có những lợi thế nhất định.

Chị  Phạm Thị Châm nhà ở Giảng Võ khẳng định: “Thuê sinh viên giúp việc nhà có nhiều mặt thuận lợi. Các em đó đều là những người có trình độ văn hóa nên chỉ cần nói 1 lần là hiểu. Hiện nay nhà mình cũng thuê 1 em giúp việc thêm. Em này rất chịu khó, siêng năng, thật thà, những lúc đã xong việc nhà em này còn kèm học cho con mình nên cả gia đình coi em ấy như một người thân".  

Bác Trần Thị Thơm, nhà ở phố Kim Mã thì  cho rằng: “Nếu gặp những bạn sinh viên tốt tính, nhiệt tình thì rất tốt vì những sinh viên thường nhanh nhạy nên có thể thích ứng công việc nhanh hơn. Tôi thấy sinh viên làm ôsin cũng rất bình thường vì nó cũng chỉ là một nghề kiếm tiền mà thôi".

Không chỉ có các nữ sinh viên đi làm ôsin mà  còn có cả các nam sinh viên cũng đi làm nghề này. Mạnh, sinh viên năm thứ 2 trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội, đã đi làm giúp việc cũng được gần nửa năm nay. Em tâm sự: “Ban đầu thì cũng có ngại thật nhưng càng làm thì thấy nó cũng bình thường, chỉ là công việc để mình kiếm tiền phụ giúp cho các chi phí ăn học nên chả có gì đáng xấu hổ cả. Mỗi người một nghề để kiếm tiền, miễn không vi phạm pháp luật là được".

Cô Đỗ Thị Thanh nhà ở Cầu Giấy thì cho rằng: "Giúp việc nhà là một nghề chân chính, sinh viên đi làm ôsin thì có làm sao đâu! Làm gì thì làm nhưng cũng chỉ là cái nghề để mình mưu sinh". Nhà cô Thanh cũng đang thuê một sinh viên đến phụ giúp công việc gia đình nên phần nào cô cùng hiểu được tâm lý của các bạn sinh viên đi làm nghề này.

Cô Thanh kể thêm: "Dạo mới làm bạn sinh viên giúp việc cho nhà mình cũng khá mặc cảm nhưng càng về sau khi đã quen công việc thì thấy bạn đấy đã hòa đồng hơn và không còn sự mặc cảm như trước nữa".

Với chị Bùi Vân Thảo, người trong thời gian làm sinh viên có đến 3 năm đi làm ôsin và giờ đã ra trường, thì quãng thời gian làm ôsin đã góp một phần quan trọng giúp cô vượt qua quãng thời gian ăn học khó khăn.

“Thu thập từ việc đi làm giúp việc của mình đủ để chi phí cho các sinh hoạt ăn học cho quãng thời gian còn học ở đại học Thương mại,"  Thảo kể. "Cũng may là có công việc đó thì mình mới có thể vượt qua được những năm tháng vất vả của thời sinh viên..”./.

Ngọc Cương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục