Cần chú trọng tác động của lạm phát với dân nghèo

Theo ông Antonio Berenguer Đại diện Tham tán thương mại của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, nếu Việt nam kiềm chế được lạm phát ở mức một con số, thì con số đó cũng sẽ cao, tuy nhiên ở phạm vi hợp lý bởi lẽ để phát triển nền kinh tế, Việt Nam cần phải tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư, song điều này lại  liên quan khá mật thiết tới lạm phát. Mặt khác, theo ông Antonio  thì Việt Nam không nên chú trọng quá  việc lạm phát một hay hai con số, mà điều quan trọng cần lưu ý đầu tiên là tác động ảnh hưởng của nó lên đời sống của người dân nghèo.
Tại cuộc ra mắt cuốn Sách Xanh 2010 - “Báo cáo của các Tham tán Thương mại EU 2010” phân tích về phát triển kinh tế, thương mại của Việt Nam năm 2009 và quý I/2010, ông Antonio Berenguer Đại diện Tham tán thương mại của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã dành cho Báo điện tử Vietnam+ cuộc trao đổi về những dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm 2010.

- Thưa ông, theo báo cáo của Tổng cục thống kê Việt Nam chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của sáu tháng đầu năm tăng 4,78% so với tháng 12/2009. Vậy khả năng khống chế lạm pháp không vượt quá 8% (không quá 0,5%/tháng) của Việt Nam trong năm 2010 có khả quan?

Ông Antonio Berenguer: Hiện đang có 2 xu hướng, Ngân hàng thế giới cho rằng lạm phát của Việt Nam sẽ trong vòng một con số mà thôi, trong khi đại diện Liên hiệp quốc lại cho rằng lạm phát ở Việt Nam sẽ lên hai con số. Tuy nhiên, cho dù là một con số hay hai con số thì điều đầu tiên chúng ta cần phải lưu ý những tác động ảnh hưởng của nó lên đời sống của người dân nghèo.

Theo tôi, nếu là một con số thì con số đó cũng sẽ là cao, nhưng ở trong phạm vi hợp lý, bởi lẽ để phát triển kinh tế thì Việt Nam cần phải tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư, song điều này lại liên quan khá mật thiết tới lạm phát.

- Theo báo cáo của Bộ Công Thương Việt Nam, ước tính sáu tháng đầu năm giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng 15,7% so với năm 2009, trong khi xuất khẩu vào Châu Âu lại giảm 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái, ông có nhận định gì về những con số trên?

Ông Antonio Berenguer: Hiện, tôi chưa nắm rõ số liệu sáu tháng, tuy nhiên số liệu của chúng tôi chủ yếu sử dụng từ Tổng cục thống kê Châu Âu. Cách thức chúng tôi tính toán số liệu hoàn toàn khác của Việt Nam. Trên thực tế, rõ ràng hàng hóa Việt Nam đang được bán chạy hơn trên thế giới, vì vậy nếu có sự giảm sút cũng chỉ là trong ngắn hạn còn về dài hạn có thể vẫn là tăng trưởng.

- Gần đây, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng giá so với đồng USD, vậy theo ông điều này có tác động đến hoạt động thương mại Việt Nam – EU?

Ông Antonio Berenguer: Cần phải lưu ý, Việt Nam thâm hụt thương mại đối với Trung quốc tới 11 tỷ USD trong năm 2009 nên ảnh hưởng quan hệ mậu dịch giữa Trung Quốc và Việt Nam rất lớn.

Xét về quan hệ Việt Nam và Châu Âu cần dựa trên khía cạnh, khi hàng hóa Trung quốc thay đổi theo giá trị của đồng nhân dân tệ thì nó sẽ ảnh hưởng đến mức xuất khẩu của Trung Quốc sang Châu Âu. Trong khi đó, Trung Quốc chính là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam tại thị trường Châu Âu nên ít nhiều Việt Nam cũng sẽ có những thuận lợi.

Song, nói một cách khác, sự thay đổi của đồng nhân dân tệ chắc chắn sẽ tác động đến mức xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Âu. Nhưng mức ảnh hưởng như thế nào thì tại thời điểm này chúng ta chưa thể biết chắc được.

- Với những dữ liệu hiện tại, ông có cho rằng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2010?

Ông Antonio Berenguer:
Tôi nghĩ mọi chính phủ luôn tham vọng và khi họ đặt ra các mục tiêu thường có thể cao hơn thực tế. Nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng về thị trường quốc tế của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ, Châu Âu hay Nhật Bản đang diễn biến rất tốt trong quý I/2010.

Theo cá nhân tôi, mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ Việt Nam đặt ra là hiện thực và có thể làm được, tuy nhiên sẽ không phải là điều dễ dàng../.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục