ĐBSCL sẽ đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản

Từ nay đến 2020, sản xuất nông thủy sản ĐBSCL được điều chỉnh theo hướng sản xuất, chế biến, bảo quản với kỹ thuật, công nghệ cao.
Với 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% lượng thủy sản và 70% lượng trái cây hàng năm của cả nước nhưng tiêu thụ thông qua hợp đồng đạt tỷ lệ rất thấp, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện nhiều biện pháp tạo đầu ra ổn định, nâng cao tính cạnh tranh cho nông sản trong giai đoạn hội nhập.

Theo đó, từ nay đến năm 2020, sản xuất nông thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long được điều chỉnh theo hướng sản xuất, chế biến, bảo quản với kỹ thuật, công nghệ cao.

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ liên kết và hợp tác với các địa phương ngoài vùng, gắn chặt vùng nguyên liệu với nhà máy, thị trường và hệ thống các kênh thương mại, dịch vụ, tạo điều kiện để kinh tế hộ chuyển nhanh sang kinh tế trang trại.

Đến năm 2015, mỗi tỉnh phấn đấu bao tiêu theo hợp đồng ít nhất 30% sản lượng lúa đông xuân và hè thu, 40-50% sản lượng cá tra và tỷ lệ này sẽ nâng dần trong những năm tiếp theo.

Các tỉnh phấn đấu bao tiêu các mặt hàng chủ lực khác như trái cây, rau, thịt gia súc, gia cầm với số lượng năm sau cao hơn năm trước.

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng nông sản; liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài có cùng sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh và phát triển thị trường; mở rộng tiêu thụ tại thị trường nội địa với kênh phân phối từ đô thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa hiệu quả.

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng thực hiện quy hoạch sản xuất nông, ngư nghiệp theo hướng phù hợp môi trường sinh thái, công nghệ cao, thích hợp với thị hiếu của người tiêu dùng quốc tế; kiểm tra chặt chẽ chất lượng thủy sản, đánh số vùng nuôi để làm cơ sở truy xét nguồn gốc sản phẩm thủy sản.

Các doanh nghiệp cải thiện điều kiện sản xuất để có nhiều sản phẩm tinh chế hơn; quản lý chất lượng hiệu quả hơn để uy tín thương hiệu nông thủy sản Việt Nam được bền vững./.

Thế Đạt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục