Lại biến động bất nhất

Thị trường chứng khoán Mỹ lại biến động bất nhất

Thị trường chứng khoán Mỹ lại biến động bất nhất trong ngày giao dịch 23/7 theo kết quả kinh doanh đan xen của khối doanh nghiệp.
Sau phiên tăng điểm khiêm tốn đầu tuần, thị trường chứng khoán Mỹ lại biến động bất nhất trong ngày giao dịch 23/7.

Báo cáo lợi nhuận khả quan của các doanh nghiệp niêm yết đã giúp chỉ số Dow Jones xác lập mức đóng cửa cao kỷ lục mới. Song chỉ số S&P và Nasdaq lại đồng loạt quay đầu giảm, do số liệu đáng thất vọng về hoạt động sản xuất tại một số bang, cũng như sự xuống giá của nhóm cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là Apple.

Chốt phiên này, chỉ số Dow Jones tăng 22,19 điểm (0,14%) lên mức cao nhất mọi thời đại 15.567,74 điểm. Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 lại hạ 3,14 điểm (0,19%), xuống còn 1.692,39 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq cũng mất 21,11 điểm (0,59%), đóng cửa ở mức 3.579,27 điểm.

Giá cổ phiếu của Apple giảm 1,7% xuống 418,99 USD/cổ phiếu ngay trước khi tập đoàn này công bố kết quả lợi nhuận. Sau khi thị trường đóng cửa giao dịch chính thức, giá cổ phiếu của Apple tăng mạnh tới 3,6%. Hãng này cho biết, kết quả kinh doanh điện thoại iPhone vẫn rất tốt, cao hơn kỳ vọng của các nhà phân tích, trong đó doanh số bán tại Mỹ tăng tới 51%, song lợi nhuận lại sụt giảm.

Cũng trong phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Âu đều đảo chiều đi xuống, do hoạt động bán tháo chốt lời và báo cáo thua lỗ trong quý II/2013 của tập đoàn sản xuất chất bán dẫn STMicroelectronics.

Kết thúc phiên này, tại London, chỉ số FTSE 100 giảm 0,39%, xuống còn 6.597,44 điểm. Tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 cũng lùi 0,43%, xuống 3.923,09 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt, chỉ số DAX của Đức hạ 0,2%, đóng cửa ở mức 8.314,23 điểm.

Sang tới đầu phiên giao dịch 24/7 tại thị trường châu Á, các chỉ số chứng khoán chủ chốt đồng loạt chuyển "sắc đỏ," sau diễn biến ảm đạm của Phố Wall trong phiên trước và số liệu tiêu cực mới nhất từ kinh tế Trung Quốc. Mở cửa phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 71,58 điểm (0,48%), xuống 14.706,93 điểm.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của Thượng hải và Hang Seng của Hongkong lần lượt hạ 8,52 điểm (0,42%) và 2,52 điểm, xuống 2.035,36 điểm và 14.706,93 điểm.

Theo ngân hàng HSBC, chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Trung Quốc - thước đo đánh giá hoạt động chế tạo của nước này, đã giảm xuống 47,7 trong tháng 7/2013, từ mức 48,2 của tháng Sáu.

Thông tin mới nhất này cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc tiếp tục suy yếu, xuống mức thấp nhất trong vòng 11 tháng qua, do lượng đơn đặt hàng mới giảm sút, báo hiệu triển vọng tăng trưởng vẫn còn mờ mịt của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục