"Loại trừ quan liêu, thương mại châu Á sẽ tăng"

Theo UNESCAP và ADB, loại trừ nạn quan liêu, thương mại nội bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể tăng thêm 250 tỷ USD, tức 21%.
Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khẳng định, loại trừ nạn quan liêu, thương mại nội bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể tăng thêm 250 tỷ USD, tức 21%.

UNESCAP và ADB đưa ra nhận định trên tại Diễn đàn tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại lần đầu tiên được tổ chức ở Bangkok (Thái Lan) ngày 24/11.

Đây là kết quả của nghiên cứu với chủ đề "Tạo dựng và thực hiện các điều kiện thuận lợi cho thương mại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương" do UNESCAP và ADB đồng bảo trợ.

Theo kết quả này, mặc dù thuế quan đã giảm nhưng nạn quan liêu thể hiện trong những thủ tục qua biên giới và hải quan rắc rối, rườm rà không cần thiết cùng với những hiệp định quá cảnh không hiệu quả vẫn là những trở ngại lớn đối với thương mại trong khu vực và quốc tế.

Thời gian để hoàn tất các thủ tục xuất khẩu hàng hóa ở các nước châu Á-Thái Bình Dương lâu gấp hơn 3 lần so với ở các nước phát triển.

UNESCAP và ADB kêu gọi các nước châu Á-Thái Bình Dương cải cách để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại, đồng thời giới thiệu các chỉ dẫn đánh giá quy chế về tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, các biện pháp cải cách cần thiết, phương thực thiết kế và thực hiện các điều kiện này ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế cũng như các tổ chức quốc tế có thể hỗ trợ thực hiện các cải cách này.

Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Thư ký chấp hành UNESCAP, Noeleen Heyzer nhấn mạnh UNESCAP and ADB sẵn sàng hỗ trợ các nước đang phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương cải tổ các thủ tục buôn bán.

Những chi phí ẩn trong thương mại trong khu vực khá cao, chiếm tới 15% giá trị xuất khẩu hàng hóa.

Công bố kịp thời các quy chế thương mại, đơn giản hóa các thủ tục và văn bản, thực hiện các tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa quốc tế, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng trong nước để tạo tiện lợi cho việc thẩm định và đánh giá hàng hóa, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong nước và khu vực sẽ là những biện pháp hiệu quả để tăng cường sự nối kết và hòa nhập khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục