FDI từ các nước đang phát triển 2010 đạt kỷ lục

Theo UNCTAD, năm 2010, đầu tư từ công ty của các nước đang phát triển và nền kinh tế mới nổi đạt gần 380 tỷ USD, chiếm 28% FDI toàn cầu.
Ngày 28/4, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho biết, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (FDI) của các công ty thuộc các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trong năm ngoái đã đạt mức cao kỷ lục cả về nguồn vốn cũng như thị phần trong tổng FDI toàn cầu.

Theo số liệu trong nghiên cứu mới nhất của UNCTAD về “Các xu hướng đầu tư toàn cầu,” năm 2010, tổng đầu tư FDI toàn cầu đạt 1.300 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2009, trong đó đầu tư từ các công ty của các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi đạt gần 380 tỷ USD, chiếm 28%.

Tổng đầu tư FDI toàn cầu tuy đã phục hồi, nhưng vẫn thấp hơn 10% so với mức trước khủng hoảng và thấp hơn tới 40% so với mức đỉnh điểm của năm 2007. Tuy nhiên, tổng đầu tư FDI từ các công ty của các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi đã tăng 23% so với năm 2009 và gấp đôi so với năm 2007.

UNCTAD nhấn mạnh, do sự phục hồi kinh tế ở châu Á và Mỹ Latin mạnh mẽ hơn các nền kinh tế phát triển ở phương Tây, mô hình đầu tư FDI năm 2010 cũng đã thay đổi. Trên 70% các dự án đầu tư FDI vào các nước đang phát triển đến từ các nước đang phát triển khác.

Trong khi FDI của các công ty Mỹ tăng khoảng 30% (đạt 325 tỷ USD), vẫn dẫn đầu thế giới theo truyền thống thì FDI của Anh, trước đây là một trong số ít nước dẫn đầu về FDI, lại giảm tới 44%, tương đương với mức FDI của nước này 18 năm về trước.

Tuy nhiên, UNCTAD cảnh báo mặc dù xu thế phục hồi FDI toàn cầu đáng lạc quan, nhưng những rủi ro đe dọa tiến trình này đang tăng lên, trong đó có những bất trắc khó lường trong quản trị kinh tế thế giới trong bối cảnh cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu, nguy cơ lạm phát và biến động tiền tệ cao, khủng hoảng nợ quốc gia, giá lương thực, nhiên liệu và hàng hóa tăng cao.

Thêm vào đó, các công ty lớn trên thế giới tuy giàu nguồn vốn khi bước vào năm 2011, nhưng chưa sẵn sàng đầu tư do lo ngại về khủng hoảng nợ, biến đổi khí hậu, biến động tài chính và hối đoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục