Ai Cập tìm giải pháp cho luật tư pháp gây tranh cãi

Tổng thống Ai Cập và các thẩm phán đã đồng ý tìm kiếm một thỏa hiệp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến dự luật tư pháp.
Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi và các thẩm phán hàng đầu của nước này đã đồng ý tìm kiếm một thỏa hiệp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến dự luật tư pháp gây tranh cãi.

Tại cuộc họp ngày 28/4 với lãnh đạo các cơ quan tư pháp, Tổng thống Morsi khẳng định ông chấp nhận các đề xuất về dự luật tư pháp với hy vọng nhanh chóng giải phóng tình trạng căng thẳng đang gia tăng giữa phe Hồi giáo và giới tư pháp.

Phát ngôn viên Phủ Tổng thống Ehab Fahmi nói: "Tất cả trở ngại đối với các cơ quan tư pháp, trong đó có cả việc xây dựng luật tư pháp mới, sẽ được thảo luận tại hội nghị công lý sắp được tổ chức theo đề xuất của các thẩm phán. Cá nhân Tổng thống sẽ thực hiện tất cả các kiến nghị đưa ra trong hội nghị này."

Trong một tuyên bố riêng rẽ sau cuộc họp với Tổng thống Morsi, người đứng đầu Hội đồng Tư pháp Tối cao Mohamed Momtaz Metwally xác nhận: "Tổng thống đã đánh giá cao các cơ quan tư pháp và ý tưởng triệu tập hội nghị công lý."

Về phần mình, ông Mamdouh Ramzi, thành viên Ủy ban Lập pháp của Thượng viện, cho biết có thể sau cuộc họp nói trên, dự luật tư pháp có thể sẽ không được tiếp tục xem xét.

Cuộc họp ngày 28/4 được xem là một nỗ lực nhằm làm dịu bầu không khí căng thẳng và đối đầu gay gắt giữa Tổng thống, các lực lượng Hồi giáo và các cơ quan tư pháp Ai Cập. Từ hơn một tuần nay, Hội đồng Shura (Thượng viện Ai Cập) do phe Hồi giáo kiểm soát đang cố thúc đẩy một dự luật tư pháp bị cáo buộc là âm mưu "ám sát các thẩm phán" nhằm cài người của tổ chức Anh em Hồi giáo vào trong các cơ quan tư pháp.

Theo dự luật này, tuổi nghỉ hưu của các thẩm phán sẽ bị rút ngắn từ 70 xuống còn 60 tuổi, qua đó buộc 1/4 trong tổng số 13.000 thẩm phán hiện nay phải về hưu, đồng thời ngăn chặn các tòa án xem xét hoặc lật ngược các sắc lệnh được Tổng thống Morsi ban hành vào năm ngoái. Ngoài việc trao cho Tổng thống quyền bổ nhiệm Tổng công tố, dự luật này cũng bắt buộc các thẩm phán phải tham gia giám sát bầu cử.

Trong diễn biến liên quan cùng ngày, 16 chính đảng và phong trào đối lập đã kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình lớn trước trụ sở Thượng viện vào cuối giờ chiều 29/4 nhằm phản đối dự luật tư pháp.

Trong một tuyên bố, các lực lượng này cáo buộc "âm mưu của chính quyền Anh em Hồi giáo" nhằm vào các cơ quan tư pháp, đồng thời cho rằng Thượng viện không có thẩm quyền thông qua luật này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục