LHQ: Mali có nguy cơ rơi vào vòng xoáy bạo lực mới

LHQ cảnh báo Mali có nguy cơ rơi vào một vòng xoáy bạo lực mới sau các vụ tấn công của phiến quân nhằm vào lực lượng do Pháp đứng đầu.
Phát biểu tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ngày 12/2, quan chức phụ trách nhân quyền của Liên hợp quốc Navi Pillay cảnh báo Mali có nguy cơ rơi vào một vòng xoáy bạo lực nguy hiểm mới khi tình hình căng thẳng lan ra khắp đất nước sau một loạt các vụ tấn công của phiến quân Hồi giáo nhằm vào lực lượng do Pháp đứng đầu.

Kể từ khi xảy ra các vụ đánh bom liều chết và tấn công tại thành phố Gao ở miền Bắc Mali, nỗi lo sợ về các vụ tấn công mới ngày càng gia tăng sau khi nhóm al-Qaeda trên bán đảo Arập (AQAP), vốn được các quan chức Mỹ đánh giá là chi nhánh nguy hiểm nhất của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qeada, kêu gọi một cuộc thánh chiến tại Mali.

Bà Pillay cảnh báo một kiểu bạo lực mới đang đe dọa Mali, bao gồm cả các vụ tấn công của người da đen nhằm vào người da sáng Tuareg và những người Arập bị cáo buộc ủng hộ các nhóm nổi dậy đã đẩy Mali vào khủng hoảng. Bà kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không gia tăng các vụ tấn công.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) ngày 12/2 cho biết sẽ nối lại khoản viện trợ 250 triệu euro cho Mali.

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề phát triển Andris Piebalgs cho biết việc chính quyền Mali nhanh chóng thông qua lộ trình chuyển tiếp khôi phục dân chủ và ổn định đã mở cánh cửa cho việc nối lại viện trợ phát triển.

Khoản viện trợ này dùng để giúp Mali khôi phục an ninh lương thực, nước sinh hoạt và hệ thống vệ sinh, đồng thời hỗ trợ tiến trình hòa giải, ngăn chặn xung đột và tổ chức cuộc bầu cử dự kiến vào tháng Bảy tới.

EU cũng nhất trí từ tuần tới sẽ gửi 500 binh sĩ tới Mali giúp huấn luyện lực lượng quân đội hiện đang bị chia rẽ. Sứ mệnh của lực lượng này kéo dài 15 tháng và có thể gia hạn. Chương trình này có 16 nước thành viên EU tham gia.

[Pháp tiến hành không kích phiến quân Hồi giáo Mali]

Khoản viện trợ của EU dành cho Mali đã bị "đóng băng" năm 2012 sau cuộc chính biến quân sự hồi tháng Ba mở đường cho quân nổi dậy Hồi giáo chiếm một nửa phía Bắc Mali.

Sự can thiệp quân sự bất ngờ của Pháp vào Mali ngày 11/1/2013 đã buộc lực lượng phiến quân nhanh chóng rút khỏi miền Bắc nước này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục