Hội nhập khu vực tốt sẽ giúp đối phó khủng hoảng

Hội nhập kinh tế khu vực tốt hơn sẽ giúp Mỹ Latinh và Caribe đối phó hiệu quả hơn với các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Thư ký chấp hành Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC) Alicia Bárcena đã khẳng định vai trò quyết định của hội nhập kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong phát triển kinh tế khu vực.

Hội nhập kinh tế khu vực tốt hơn sẽ giúp Mỹ Latinh và Caribe đối phó hiệu quả hơn với các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng như các biến động kinh tế ngoài khu vực.

Phát biểu tại diễn đàn Hội nghị bất thường Ủy ban lãnh đạo Hiệp hội hội nhập khu vực Mỹ Latinh đang diễn ra ở thủ đô Montevideo của Uruguay ngày 11/11, bà Alicia Bárcena nhấn mạnh Mỹ Latinh và Caribe cần hội nhập khu vực lớn hơn nữa để có một phản ứng thống nhất trước mọi biến động kinh tế xã hội từ bên ngoài, đặc biệt là các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Khủng hoảng kinh tế tạo ra một bước ngoặt, theo đó cần phải đảo ngược tính liên tục của một mô hình đã gắn với sự tập trung của cải suốt 20 năm qua, đồng thời tạo ra không gian cho cuộc tranh luận lớn về sự hợp lý của các tiêu chuẩn của hệ thống kinh tế toàn cầu, vai trò của chính sách công và việc thiếu một cơ chế toàn cầu để xử lý và giải quyết các khó khăn mang tính hệ thống toàn cầu.

Bà lưu ý rằng các khó khăn kinh tế của các nền kinh tế phát triển đã bắt đầu tác động đến khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Buôn bán Nam-Nam hiện đã trở nên quan trọng hơn buôn bán Bắc-Bắc, và buôn bán đã chuyển từ Bắc xuống Nam và từ Đại Tây dương sang Thái Bình dương.

Mỹ Latinh và Caribe đang đứng trước tình thế vừa sở hữu nguồn tài sản lớn nhưng cũng có những yếu kém nghiêm trọng như thâm hụt tài khoản vãng lai, cơ cấu sản xuất và xuất khẩu dựa trên lợi thế so sánh tĩnh mà không phải lợi thế so sánh động, đầu tư thấp, trì trệ trong đổi mới, khoa học công nghệ, giáo dục và cơ sở hạ tầng.

Trong bối cảnh này, Mỹ Latinh và Caribe cần tăng cường buôn bán và hợp tác trong các vấn đề tài chính nội khu vực, đồng thời ưu tiên các chính sách đầu tư, đổi mới và xã hội.

Hội nhập khu vực tốt hơn sẽ giúp khu vực thích nghi tốt hơn với biến đổi khí hậu hiện đã là một thách thức đối với phát triển bền vững. Thế giới đang bị mất cân bằng nghiêm trọng và vì vậy, hội nhập khu vực tốt hơn giúp điều chỉnh các cơ chế chủ yếu chi phối nền kinh tế toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục