Bạn tri kỷ với người điên

Làm "bạn tri kỷ" 30 năm với bệnh nhân tâm thần

Xuất thân là một bác sỹ quân y nơi trận mạc xuất ngũ, từ đó đến nay 30 năm, bác sĩ Lý Trần Tình làm bạn với những bệnh nhân tâm thần
“Từ chiến trường trở về, nhiều bạn học cùng tôi trên giảng đường khi xưa, nay đã có học vị tiến sỹ và công tác tại các bệnh viện, trung tâm nghiên cứu lớn, đầu ngành của cả nước, khiến tôi có chút đắn đo khi được điều động về công tác tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Nhưng, cuối cùng, tôi vẫn chọn nơi đây!

Tôi sinh ra ở Gia Lâm và cũng đã 30 năm nay, tôi sống, làm việc và gắn bó với chính mảnh đât này. Âu đó cũng là duyên số!” bác sỹ Lý Trần Tình, người đã có “thâm niên” 30 năm gắn bó với bệnh nhân tâm thần chia sẻ.

Từ giảng đường tới chiến trường

Cả cuộc đời điều trị cho những con người ngộ dại, thường bị người đời gọi là những “kẻ điên,” “không ít lần tôi đã bị bệnh nhân đấm thẳng vào mặt khi tiêm cho họ và không ít đêm mưa phùn gió bấc phải lặn lội đi tìm những bệnh nhân trốn viện,” bác sỹ Tình chia sẻ.

Có dịp tiếp xúc trực tiếp với các y, bác sỹ làm việc tại bệnh viện tâm thần, ta mới thấu hiểu được những nỗi vất vả, khó khăn, sự thiệt thòi và những hi sinh mà họ phải chịu đựng.

Gặp bác sỹ Lý Trần Tình vào một buổi sáng Hà Nội lạnh giá ngay ở trụ sở làm việc tại Bệnh viện tâm thần Hà Nội. Nhìn bề ngoài, Bệnh viện khoác lên mình một vẻ thanh bình với những bệnh nhân đang thơ thẩn chơi ở vườn hoa. Ở một hướng khác, nhóm bệnh nhân lại đang túm năm tụm ba trò chuyện, cười nói rồi ngơ ngác ngắm người đi lại.

Nhưng, ít ai biết được rằng, đằng sau vẻ yên bình đó lại là những khó khăn, gian khổ thậm chí là những nguy hiểm trong công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân tâm thần của các nhân viên y tế nơi đây.

Sinh ra và lớn lên ở Gia Lâm, Hà Nội, mơ ước ngay từ nhỏ của cậu bé Lý Trần Tình là sẽ trở thành một bác sỹ để chữa bệnh cứu người. Bằng khát khao cháy bỏng và quyết tâm cao độ, cậu học trò nghèo đã thi đỗ và tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội.

Ngày ấy, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, theo tiếng gọi của Tổ quốc, bác sỹ Tình đã về công tác tại Binh đoàn Cửu Long, đóng quân tại khu vực biên giới Campuchia-Thái Lan.

Bác sỹ bồi hồi nhớ lại, hồi đó, quân tình nguyện Việt Nam đã có mặt ở Campuchia để giúp đỡ nhân dân nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng của bọn Pôn Pốt. Giờ đây, những ký ức và hình ảnh của những người đồng đội hy sinh vì căn bệnh sốt rét, vì bom đạn chiến tranh đọng mãi trong ông.

Sau năm năm cùng quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia, ông trở về Việt Nam và được điều chuyển công tác tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Nhớ lại thời điểm này, giọng ông trầm xuống.

“Trước đó, tôi chưa được học chuyên ngành về tâm thần,” bác sỹ chia sẻ. Hơn nữa, công tác tại một đơn vị thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần quả là một lựa chọn không dễ dàng đối với nhiều nhân viên y tế chứ không riêng gì ông. Và, những khó khăn gian khổ trong việc điều trị bệnh nhân tâm thần thời ấy cứ như những thước phim đèn chiếu hiện ra trước mắt ông.

Lý giải về sự lựa chọn này, bác sỹ Tình tâm sự: "Nếu không có tình thương người bệnh, sự sẻ chia và cảm thông với những người thân của họ, có lẽ, tôi đã nghĩ đến việc chuyển nghề. Mỗi lần nhìn thấy người bệnh được điều trị khỏi bệnh trở về với gia đình và xã hội là một lần gieo một thứ sinh khí kỳ lạ và níu giữ đôi chân tôi với những bệnh nhân tâm thần".

30 năm và những buồn-vui nghề thầy thuốc

Ông lại kể: "Hồi tôi mới về nhận công tác ở đây, nhà cửa tồi tàn, điện nước chập chờn, lúc có lúc không. Cảnh thắp đèn dầu leo lét trong khuôn viên Bệnh viện khiến nhiều bác sỹ lần đầu tiên đến nhận công tác cũng phải nản chí: Đó là thời điểm những năm 80, đất nước đang bước vào giai đoạn khó khăn. Tàn dư chiến tranh vẫn còn hằn in trên từng nếp nhà."

Những bệnh nhân tâm thần nguyên là những quân nhân, họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, ám ảnh nặng nề bởi sự ra đi của chính những người đồng đội mới hôm qua còn nằm cạnh nhau, cùng hành quân mà giờ đã vĩnh viễn ra đi. Điều đó khiến cho những biểu hiện bệnh lý trong họ có lúc càng trở nên dữ dội."

Vốn là bác sỹ quân y nơi trận mạc, “tôi thấu hiểu hơn ai hết những nỗi đau mà họ phải chịu đựng,” bác sỹ Tình xúc động nói.

Ông cố gắng lắng nghe, thấu hiểu để tự hoá thân thành người bạn tri kỷ vừa chữa trị bệnh vừa đồng cảm, sẻ chia những "buồn-vui-giận-hờn" thất thường của họ. "Những chuỗi cười rùng rợn, có khi là cả những tiếng súng ầm ào, tiếng máy bay gào thét… không làm tôi sợ, mà ngược lại, cảm thấy thương những con người này hơn bao giờ hết," bác sỹ nghẹn ngào nói.

Bác sỹ Lý Trần Tình bảo, việc điều trị cho các bệnh nhân tâm thần không giống như các bệnh khác. Công việc này đòi hỏi bác sỹ phải tốn rất nhiều sức lực và cả sự chịu đựng.

Bất cứ lúc nào, các bác sỹ cũng có thể bị tấn công. Những hành vi này xem ra chỉ là những chuyện "thường ngày ở huyện" chứ không có gì là lạ với các bác sỹ tại Bệnh viện Tâm thần. Chưa hết, ở đây, việc lặn lội đi tìm bệnh nhân trốn viện bất kể ngày mưa gió cũng là chuyện "cơm bữa" với các nhân viên y tế.

Chẳng thế mà, hầu như các nhân viên y tế ở đây ai cũng thuộc lòng đường ngang ngõ tắt xung quanh do hay phải đi tìm bệnh nhân và cũng không hiếm những hành trình về đến tận nhà bệnh nhân ở các huyện ngoại thành, tỉnh xa. Một lần đúng vào thời điểm tiết trời giá rét nhất của mùa đông, mặc đến 2 chiếc áo khoác còn cảm thấy cái rét như xuyên thấu, các bác sỹ phải cất công lặn lội đi tìm bệnh nhân Nguyễn Văn K., nhà ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Khi về đến nhà anh K., các bác sỹ mới hay anh ta chưa về. Sau khi nghe người nhà anh K. trách móc, các bác sỹ lại tiếp tục đi tìm bệnh nhân theo các hướng khác. Trong đêm tối, giữa cái lạnh như cắt da cắt thịt, may mắn thay, các bác sỹ đã tìm thấy bệnh nhân Nguyễn Văn K. đang… "lang thang đi chơi" ở một khu chợ gần nhà.

Nhiều bệnh nhân đã trốn được về đến nhà, khi thấy bóng dáng các bác sỹ đã cầm gạch đá tấn công hay nhảy xuống ao hồ để khỏi phải quay lại bệnh viện. Lại có những bệnh nhân không có người thân chăm sóc, nên để nắm được tình trạng sức khoẻ mặc nhiên các bác sỹ đã trở thành người một nhà với họ.

“Không chỉ có vậy, trong nhiều trường hợp, tôi cũng rất thông cảm với những nữ y tá, hộ sinh, dù chưa lập gia đình nhưng vẫn phải tắm giặt, chăm nom đến từng ly từng tý cho các bệnh nhân nam,” bác sỹ chia sẻ.

Chính những khó khăn, áp lực trong công tác chăm sóc, chữa trị các bệnh nhân tâm thần đã khiến cho không ít hộ lý bị loạn thần do công việc quá căng thẳng.

“Một điều mà không phải ai cũng biết được đó là hầu như năm nào Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cũng có người xin chuyển công tác trong khi các thông tin tuyển người lại nhận được rất ít hồi âm,” bác sỹ nhìn xa xăm và nói./.

Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục