Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến 2020

Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến 2020" là cơ hội “vàng” cho hàng triệu nông dân tiếp cận học nghề và tìm việc làm.
Ngày 22/7, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện quyết định 1956/QĐ-TTG về đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ, đã tổ chức Hội nghị giao ban các tỉnh phía Nam.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Chỉ đạo đề án đã dự và chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có hơn 300 đại biểu đại diện các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành từ Quảng Nam trở vào phía Nam.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nội Vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và đầu tư… đã báo cáo các kết quả sau bảy tháng triển khai đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.”

Năm 2010 là năm đầu tiên thực hiện Quyết định 1956, với mục tiêu tiếp tục đào tạo nghề cho 400.000 lao động nông thôn, thí điểm dạy nghề cho khoảng 18.000 người, với 50 nghề đào tạo và đặt hàng dạy nghề cho khoảng 12.000 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác và khó khăn về kinh tế, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt tối thiểu 80%.

Từ đầu năm đến nay, Ban chỉ đạo Trung ương và các bộ ngành liên quan, các địa phương đã triển khai quyết định, nhiều tỉnh, thành đã thành lập các ban chỉ đạo địa phương.

15 tỉnh, thành đã lựa chọn mô hình sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp, 12 tỉnh, thành đã phê duyệt mức chi phí đào tạo nghề, một số tỉnh thí điểm đã hoàn thành công việc theo tiến độ. Riêng Nam Định đã phê duyệt đề án và đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện đề án.

Tuy vậy các nội dung triển khai đề án vẫn còn một số bất cập như thiếu giáo viên dạy nghề, giáo trình đào tạo còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra...

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban chỉ đạo khẳng định ý nghĩa của chương trình đào tạo nghề nông thôn trong sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Chương trình lần đầu tiên có quy mô lớn như vậy, bình quân 1 triệu lao động nông thôn đào tạo 1 năm, liên tục trong 10 năm, vì vậy phải tổ chức hết sức tập trung và khoa học, đủ cơ sở để tạo chuyển biến, chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn, cung cấp nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phó Thủ tướng đánh giá: Sau bảy tháng thực hiện đề án, ở cấp quốc gia, các bộ, ngành đã triển khai tốt, hoàn thành hầu hết việc đặt ra. Ở địa phương, 63 tỉnh, thành đã khởi động đề án, đánh giá công việc ở mức tốt hoặc trung bình tùy mỗi địa phương.

Tuy nhiên, một số địa phương vẫn tồn tại một số điểm như: Chương trình hành động ở địa phương hạn chế, hoặc chỉ mới trong giai đoạn xây dựng; 50% chưa triển khai kịp thời một số chính sách của Quyết định 1956.

Hiện tại, các địa phương đã đầy đủ cơ sở để trong tháng Bảy, tháng Tám hoàn thành các phần việc tổ chức địa phương.

Về các nhiệm vụ trọng tâm, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ: Trên 20 hợp đồng đào tạo giữa các tổ chức dạy nghề và các doanh nghiệp sử dụng lao động, dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước là Tổng cục Dạy nghề đã được ký kết là một việc làm ý nghĩa gắn với yêu cầu từ nay cho đến cuối năm, tất cả các tỉnh đều phải ký kết ít nhất một hợp đồng lao động đào tạo theo nhu cầu.

Các bộ, cơ quan Trung ương cũng phải hoàn thành tám nhiệm vụ trọng tâm như: Hoàn thành dứt điểm việc ban hành các văn bản pháp luật; Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn về học nghề và việc làm cho lao động nông thôn;

Chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương hoàn thành việc điều tra, khảo sát, xây dựng đề án đến năm 2020; Xây dựng kế hoạch, kinh phí thực hiện đề án; Hoàn thành xây dựng giáo trình, học liệu, danh mục dạy nghề, đào tạo bồi dưỡng giáo viên…

Còn ở các địa phương phải hoàn thành các việc làm trọng tâm từ nay cho đến đến cuối năm, đó là: Hoàn thành việc ban hành quy chế hoạt động của ban chỉ đạo thực hiện đề án, tổ chức hội nghị quán triệt đề án ở các địa phương cơ sở; Hoàn thành công tác điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn…/.

Quang Đức (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục