Các thị trường chứng khoán châu Á ít biến động

Các thị trường chứng khoán châu Á ít biến động trong ngày 30/5, khi những dấu hiệu về đà phục hồi của kinh tế toàn cầu đang chững lại đã giữ chân các nhà đầu tư trước việc mua vào các tài sản rủi ro. Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng nhẹ, sau khi giảm trong năm tuần liên tiếp.
Các thị trường chứng khoán châu Á ít biến động trong ngày 30/5, khi những dấu hiệu về đà phục hồi của kinh tế toàn cầu đang chững lại đã giữ chân các nhà đầu tư trước việc mua vào các tài sản rủi ro.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng nhẹ, sau khi giảm trong năm tuần liên tiếp.

Trong tháng Năm, các chỉ số chứng khoán trong khu vực hầu hết đều giảm, trong đó dẫn đầu là chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải, với mức giảm 7%.

Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản giảm 16,97 điểm, hay 0,18%, 9.504,97 điểm, khi đồng yen mạnh ảnh hưởng tới các nhà xuất khẩu và các nhà giao dịch thận trọng trong thời điểm các số liệu kinh tế chủ chốt sắp được công bố.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản gặp khó khăn do tình trạng thiếu điện và linh kiện sau thảm họa ngày 11/3.

Giá cổ phiếu của hãng ôtô hàng đầu thế giới Toyota Motor Corp. giảm 0,8%, còn của đối thủ Honda Motor Co. Ltd. mất 1,5%, trong khi của tập đoàn điện tử và giải trí Sony Corp. giảm 2,5%.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 66,25 điểm, hay 0,29%, lên 23.184,32 điểm. Chỉ số weighted của Đài Loan tăng 13,68 điểm, hay 0,15%, lên 8.823,68 điểm.

Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 3,59 điểm, hay 0,13%, xuống 2.706,36 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 6,45 điểm, hay 0,31%, xuống 2.093,79 điểm. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm 16,5 điểm, hay 0,35%, xuống 4.667,5 điểm.

Trong khi chứng khoán châu Á "loạng choạng" trong những tháng gần đây, sức hấp dẫn của các tài sản mang lại lợi nhuận cố định đang gia tăng, khi các ngân hàng trung ương trong khu vực tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.

Tính tới thời điểm này của năm nay, 47,4 tỷ USD trái phiếu đã được phát hành bằng đồng USD, euro và yen tại châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản và Australia), so với 83,6 tỷ USD của cả năm 2010. Morgan Stanley nhận định, với đà này con số cả năm có thể vượt trên 100 tỷ USD.

Mặc dù vẫn tiếp tục tăng trưởng, nhiều nền kinh tế trên khắp thế giới đang chật vật để có thể duy trì đà tăng trưởng nhanh như năm 2010.

Chính phủ các nước châu Âu đang đau đầu với nợ công và bài toán "thắt lưng buộc bụng," đặc biệt Hy Lạp có nguy cơ vỡ nợ, còn Ireland có thể cần thêm một khoản vay mới từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU).

Tỷ lệ thất nghiệp cao, thị trường bất động sản đi xuống, trong khi giá dầu vẫn ngất ngưởng đang khiến đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ chậm lại.

Ở Trung Quốc, việc tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát cũng đang ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi số liệu về sản lượng công nghiệp của Mỹ và Nhật Bản sẽ được công bố trong vài ngày tới để tìm thêm những dấu hiệu về sự chậm lại của kinh tế toàn cầu./.

Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục