Hong Kong - cầu nối thương mại giữa ASEAN và TQ

Khi Trung Quốc tham gia đối thoại ASEAN+3, vai trò cầu nối của Hong Kong trong mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc trở nên quan trọng hơn.
Trong 170 năm qua, Hong Kong luôn là cửa ngõ cho khách du lịch nước ngoài và hàng hóa bước vào thị trường Trung Quốc.

Với vai trò là chiếc cầu nối giữa Trung Quốc đại lục và phần còn lại của thế giới, Hong Kong đã trở thành một trong những trung tâm thương mại hàng đầu. Và khi Trung Quốc tham gia đối thoại ASEAN+3, vai trò cầu nối của Hong Kong càng trở nên quan trọng hơn.

Theo Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong (HKTDC), tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa ASEAN và đặc khu này trong năm 2012 đạt 94,1 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước và 43% so với năm 2009.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, nhà kinh tế Dickson Ho thuộc HKTDC nhận định tốc độ tăng trưởng của các hoạt động thương mại giữa Hong Kong và các nước ASEAN đã tăng nhanh hơn so với nhiều nước khác trên thế giới.

Hiện ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hong Kong, chỉ sau Trung Quốc đại lục.

Sản phẩm giao dịch

Số liệu thống kê cho thấy tại các nước thành viên ASEAN có khoảng 130 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu. Tầng lớp này đang "vung tiền" vào những những hàng hóa tiêu dùng giá cả khá cao, trong đó phần lớn là sản phẩm thời trang.

Nhờ xu hướng này, trong năm 2012, Hong Kong đã xuất khẩu lượng hàng hóa tiêu dùng có tổng trị giá 6,44 tỷ USD cho các nước ASEAN, tăng 3% so với năm 2011 và 20% so với năm 2010.

Nhà kinh tế Ho cho biết không có gì ngạc nhiên khi quần áo và phụ kiện đồ may mặc là một trong những hàng hóa chủ chốt trong trao đổi thương mại giữa Hong Kong và ASEAN.

Năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu quần áo và phụ kiện thời trang của Hong Kong sang ASEAN tăng 1,5% so với năm 2011 lên 753 triệu USD.

Bên cạnh đó, các sản phẩm điện tử cũng đứng đầu trong danh sách các sản phẩm giao dịch giữa Hong Kong và ASEAN. Năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm điện tử của Hong Kong sang ASEAN tăng 3,7% so với năm 2011 đạt 15,62 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng điện tử của Hong Kong từ ASEAN trong cùng năm tăng 0,5% đạt 44,526 tỷ USD.

Điểm đến

Hiện nay, Hong Kong đang kết nối một cách chặt chẽ với kinh tế nhiều nước ASEAN, trong đó, Việt Nam và Singapore là hai thị trường xuất khẩu hàng đầu của Hong Kong.

Tính trên toàn cầu, Singapore là thị trường xuất khẩu lớn thứ tám của Hong Kong, với tổng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu đạt tương ứng 7,17 tỷ USD và 31,5 tỷ USD trong năm 2012.

Mặc dù hai con số này lần lượt thu hẹp 0,5% và 3,2% so với năm trước, song Singapore vẫn duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Hong Kong trong các nước ASEAN. Phần lớn hàng hóa được giao dịch là linh kiện điện tử. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu các sản phẩm này của Hong Kong sang Singapore đạt 4 tỷ USD và 22 tỷ USD.

Với vị thế là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hong Kong tại Đông Nam Á, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Hong Kong đạt 6,5 tỷ USD và nhập khẩu đạt 4,7 tỷ USD trong năm 2012. Các hàng hóa được giao dịch gồm thực phẩm, linh kiện, thiết bị viễn thông, máy móc...

Theo nhà kinh tế Ho, Trung Quốc từng là lựa chọn đầu tiên đối với các nhà chế tạo nước ngoài trong việc thiết lập cơ sở sản xuất. Song, chi phí sản xuất gia tăng tại "công xưởng của thế giới" đang khiến các tập đoàn sản xuất chuyển hướng sang một trong những quốc gia láng giềng của Trung Quốc, với chi phí sản xuất thấp hơn. Và Việt Nam đang trở điểm đến hấp dẫn, nhờ môi trường dễ tiếp cận.

Cơ hội "cùng thắng" của ASEAN và Hong Kong

Một số nhà phân tích cho rằng Hong Kong có thể trở thành nạn nhân của các động thái hướng đến việc xóa bỏ thuế cho hầu hết hàng hóa giao dịch giữa các nước thành viên ASEAN, vì đến khi đó Hong Kong có thể không còn sức hấp dẫn của một điểm trung chuyển ưu đãi thuế.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Ho đã bác bỏ lập luận trên. Theo ông, Hong Kong chủ yếu giao dịch các sản phẩm điện tử. Trước năm 2005, Tổ chức Thương mại Thế giới đã thông qua Thỏa thuận Công nghệ Thông tin.

Theo đó, hàng rào thuế đối với nhiều sản phẩm điện tử đã được giảm đáng kể, dù chưa xuống mức 0%. Như vậy, ưu điểm của một khu vực ưu đãi thuế không phải là mối quan tâm duy nhất của các quốc gia giao dịch thương mại thông qua Hong Kong, mặc dù đặc khu này không là thành viên của Khu vực Tự do Thương mại Trung Quốc-ASEAN (ACFTA). Thay vào đó, Hong Kong vẫn được coi là cầu nối giữa Trung Quốc đại lục và Đông Nam Á.

"Trung điểm" Hong Kong

Bên cạnh đó, khi hoạt động trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN ngày càng tăng, Hong Kong có thể trở thành "trung điểm" cung cấp các loại dịch vụ khác nhau, như hậu cần. Điển hình là hiện nay, không sân bay nào ở phía Nam Trung Quốc có thể so sánh với sân bay quốc tế Hong Kong về lượng chuyên chở và tính hiệu quả trong hoạt động.

Trên thực tế, Hong Kong còn là nơi đặt trụ sở chính của nhiều tập đoàn đa quốc gia (MNC). Do đó, đặc khu này sẽ là điểm khởi đầu thuận lợi cho các công ty của các nước ASEAN muốn mở rộng hoạt động ra nước ngoài, đặc biệt là những công ty có tham vọng chiến lĩnh thị trường Đông Bắc Á.

Nhà kinh tế Ho nhấn mạnh trong tương lai quan hệ trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ tiếp tục bùng nổ và vị thế cầu nối của Hong Kong là không thể thay thế được. Những điều kiện thuận lợi về hậu cần, sự am hiểu về thị trường và việc tiếp cận thị trường Trung Quốc đại lục một cách dễ dàng đang giúp củng cố vị thế của Hong Kong và góp phần vào sự thịnh vượng chung cho khu vực./.

T.M (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục