Công đoàn Nam Phi kêu gọi lập Hòa ước khai mỏ

Liên đoàn Thợ mỏ quốc gia Nam Phi kêu gọi tiến tới một Hòa ước khai mỏ (MPA) nhằm khôi phục sự ổn định trong ngành khai mỏ nước này.
Trong buổi điều trần tại Ủy ban Nguồn khoáng sản Quốc hội Nam Phi ngày 20/2, Liên đoàn Thợ mỏ quốc gia (NUM) đã kêu gọi tiến tới một Hòa ước khai mỏ (MPA) nhằm khôi phục sự ổn định trong ngành khai mỏ của nước này.

Theo NUM, MPA sẽ lập ra cương lĩnh để tố cáo công khai các vụ bạo lực, hỗn loạn, đe dọa và sát hại diễn ra dưới hình thức tổ chức, tuyển mộ hoặc thương lượng chung trong ngành.

NUM đã thúc giục Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đề xướng việc phát triển, ký kết và tuân thủ MPA, đồng thời kêu gọi tất cả các tổ chức công đoàn, tổ chức giới chủ tham gia tiến trình này.

Năm 2012, ngành khai khoáng của Nam Phi đã bị thiệt hại nặng nề do các cuộc đình công chủ yếu trong ngành công nghiệp khai thác bạch kim gây ra. Ngoài ra, ngành công nghiệp này còn đối mặt với những vấn đề cấp bách như nhu cầu về bạch kinh giảm, chi phí đầu vào leo thang, năng suất giảm và các cuộc bãi công bất hợp pháp.

Theo Hệ thống thông tin, viễn thông của chính phủ (GCIS), đây là những nguyên nhân khiến ngành công nghiệp khai thác bạch kim của Nam Phi thua lỗ 59%.

Cùng ngày, các thợ mỏ làm việc tại hầm Siphumelele ở Rustenburg thuộc tập đoàn khai thác bạch kim Anglo American (Amplats) đã trở lại làm việc sau ngày đình công 19/2 để phản đối vụ bắn vào các đồng nghiệp của họ trong cuộc xô xát giữa người lao động thuộc các công đoàn khác nhau vào một ngày trước đó, làm 15 người bị thương.

Ngoài ra, hàng nghìn thợ mỏ thuộc Hiệp hội Thợ mỏ và Liên đoàn xây dựng (AMCU) đã tụ tập gần hầm mỏ Siphumelele để yêu cầu trục xuất đối thủ là NUM, mà theo họ là nguyên nhân gây ra vụ xô xát ngày 18/2.

Các cuộc đình công đòi tăng lương đã khiến hoạt động sản xuất của tập đoàn Amplants trong năm 2012 bị đình trệ.

[Công ty Amplats sa thải 14.000 công nhân]

Tháng 1/2013, Amplants đã thông báo kế hoạch cắt giảm khoảng 14.000 việc làm, nhưng buộc phải hoãn lại tiến trình cắt giảm này do vấp phải sự phản đối của các công đoàn và chính phủ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục