UBTVQH thảo luận dự án Luật giám định tư pháp

Mô hình tổ chức giám định tư pháp về pháp y cấp tỉnh là một trong những nội dung được các thành viên ủy ban tập trung thảo luận.
Sáng 16/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật giám định tư pháp và thông qua Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

Thảo luận về dự án Luật giám định tư pháp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến 2 nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau là quyền yêu cầu giám định tư pháp của đương sự và mô hình tổ chức giám định tư pháp về pháp y cấp tỉnh.

Về quyền yêu cầu giám định tư pháp của đương sự, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và đa số ý kiến của các đại biểu tán thành với việc mở rộng quyền của đương sự được tự mình yêu cầu giám định tư pháp. Quy định này nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong hoạt động tố tụng, bảo đảm quyền cung cấp chứng cứ của đương sự trong các vụ việc dân sự và vụ án hành chính, phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Vấn đề này, Ủy ban Tư pháp - cơ quan thẩm tra dự án luật cũng cho rằng trong các vụ án hình sự có giải quyết vấn đề dân sự, khi tham gia tố tụng, các đương sự như nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ như đương sự trong các vụ việc dân sự thông thường khác. Nếu không quy định quyền trực tiếp yêu cầu giám định tư pháp của đương sự trong trương hợp này, sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong quan hệ pháp luật tố tụng. Từ những phân tích này, Ủy ban Tư pháp đề nghị tiếp thu, chỉnh lý theo hướng đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính và đương sự trong trường hợp vấn đề dân sự được giải quyết cùng với vụ án hình sự đều có quyền yêu cầu giám định tư pháp như dự thảo Luật (khoản 3, Điều 2, Điều 22).

Về mô hình tổ chức giám định tư pháp về pháp y cấp tỉnh, có 2 phương án. Phương án 1 nhất trí với quy định của dự thảo Luật và Tờ trình của Chính phủ. Theo đó riêng ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) sẽ không còn giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh, mà tập trung hoạt động giám định pháp y vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế.

Phương án 2: đề nghị dự thảo Luật giữ quy định về giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự, công an cấp tỉnh như Pháp lệnh hiện hành.

Thảo luận vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước tán thành với phương án 1, không còn giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh, giao hoạt động giám định pháp y vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng việc tập trung đầu tư cho một trung tâm pháp y chính quy, hiện đại là phương châm đúng đắn. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, việc duy trì lực lượng pháp y công an tỉnh trên thực tiễn là cần thiết.

Đại biểu đề xuất cùng với quy định như dự thảo, Quốc hội ban hành Nghị quyết thi hành Luật, trong đó xác định rõ lộ trình chuyển giao nhiệm vụ giám định pháp y ở cấp tỉnh từ Phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh sang tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế hoặc quy định ngay trong Luật. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng tán thành với quan điểm này và đề nghị cần quy định lộ trình ngay trong luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng mô hình tổ chức giám định tư pháp về pháp y cấp tỉnh là một nội dung lớn, quan trọng và còn có những quan điểm khác nhau. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị trình cả 2 phương án để Quốc hội thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi biểu quyết thông qua dự án Luật.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị về mô hình tổ chức giám định tư pháp về pháp y cấp tỉnh sẽ trình Quốc hội cả 2 phương án, mỗi phương án đều phải có báo cáo giải trình cụ thể, lý lẽ thuyết phục, để Quốc hội thảo luận, đưa ra quyết định cuối cùng.

Thời gian còn lại của buổi sáng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

Pháp lệnh quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục pháp điển; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện pháp điển và các điều kiện bảo đảm cho công tác pháp điển.

Theo chương trình, buổi chiều, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật thư viện./.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục