UNHRC đã thông qua một nghị quyết lên án Syria

Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua nghị quyết lên án Syria và bày tỏ "quan ngại sâu sắc trước tình hình nhân đạo" ở đây.
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) ngày 1/3 đã thông qua nghị quyết "kịch liệt lên án tình trạng vi phạm quyền con người, các quyền tự do cơ bản một cách tràn lan và mang tính hệ thống của chính quyền Syria."

Nghị quyết này cũng bày tỏ "quan ngại sâu sắc trước tình hình nhân đạo" ở đây.

Tổng cộng 37 thành viên của UNHRC đã bỏ phiếu ủng hộ bản nghị quyết do Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất nói trên, trong khi có ba thành viên bỏ phiếu chống là Trung Quốc, Nga và Cuba.

Trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, phía Nga cho rằng đây "không phải là một nghị quyết công bằng."

Nghị quyết kêu gọi Chính phủ Syria "ngay lập tức chấm dứt hoàn toàn các vụ vi phạm nhân quyền và tấn công nhằm vào dân thường, kết thúc mọi hành động bạo lực, cho phép các tổ chức nhân đạo và Liên hợp quốc tự do tiếp cận để tiến hành đánh giá toàn diện nhu cầu ở thành phố "điểm nóng" Homs và các khu vực khác, đồng thời cho phép các tổ chức nhân đạo cung cấp nhu yếu phẩm và các dịch vụ thiết yếu cho người dân bị ảnh hưởng bởi tình hình bạo lực tại Syri."

Nghị quyết cũng tái khẳng định cam kết của UNHRC đối với độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Arập Syria.

Đại diện của Syria tại Liên hợp quốc đã tẩy chay cuộc tranh luận của UNHRC về tình hình nhân quyền ở Syria.

Ông Faysaal Khabbaz Hamoui, đại sứ Syria tại Liên hợp quốc, tuyên bố trước khi rút khỏi phòng họp rằng Syria sẽ không công nhận tính hợp pháp của cuộc bỏ phiếu cũng như bất cứ nghị quyết nào mà UNHRC thông qua.

Ông cho rằng "mục đích thực sự của việc tổ chức cuộc bỏ phiếu thông qua nghị quyết này là đổ thêm dầu vào lửa cho chủ nghĩa khủng bố, kéo dài cuộc khủng hoảng ở Syria bằng cách thể hiện một thông điệp ủng hộ các nhóm vũ trang và khái niệm bảo vệ người dân cũng như can dự nhân đạo đang bị bóp méo vì các mục đích chính trị."

Trong khi đó, ngày 1/3, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết đã rút toàn bộ các cán bộ Đại sứ quán Anh ở Syria về nước và tạm thời ngừng các hoạt động của sứ quán do tình hình an ninh ở đây xấu đi, gây nguy hiểm đến tính mạng các nhân viên ngoại giao.

Chính phủ Thụy Sĩ ngày 29/2 cũng tuyên bố đã chính thức đóng cửa đại sứ quán nước này tại Syria, ba tuần sau khi đóng cửa tạm thời.

Trước đó, Berne đã hối thúc công dân Thụy Sĩ rời khỏi quốc gia Trung Đông này cũng như đã triệu đại sứ nước này về tham vấn hồi tháng 8/2011.

Hồi tháng 11/2011, Thụy Sĩ đã hối thúc gần 180 công dân nước này đang sinh sống tại Syria rời khỏi quốc gia này ngay lập tức.

Đến ngày 28/2, Thụy Sĩ cho hay vẫn còn khoảng 150 công dân, phần lớn trong diện mang hai quốc tịch, đang sống tại Damascus.

Tại Syria, tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp. Hãng tin AFP (Pháp) dẫn lời một nhà hoạt động ở thành phố Homs nói rằng bất chấp quân chính phủ phát động chiến dịch tấn công quận Baba Amr thuộc thành phố điểm nóng này, các tay súng nổi dậy vẫn kháng cự mạnh mẽ và tiếp tục giành quyền kiểm soát.

Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR, trụ sở tại Anh) lại cho biết giao tranh giữa hai bên tiếp diễn ở rìa Baba Amr chứ không phải bên trong quận này và ít nhất đã có 12 binh sĩ bên phía quân chính phủ thiệt mạng. Tuy nhiên, một nguồn tin an ninh ở Đamát tuyên bố ngày 1/3, quân đội đã kiểm soát hoàn toàn Baba Amr, trong khi nhiều tay súng nổi dậy đã bỏ chạy về hướng Lebanon.

Thủ lĩnh lực lượng Quân đội Syria tự do (FSA) cũng thừa nhận nhóm đào ngũ này đã "rút lui chiến thuật" khỏi Baba Amr.

Cùng ngày, Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) thông báo nhóm đối lập chính này đã thành lập một "hội đồng quân sự" để tổ chức và thống nhất cuộc kháng chiến vũ trang chống lại chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

SNC trước đây từng kêu gọi vũ trang cho lực lượng nổi dậy Syria, song đây là lần đầu tiên SNC tuyên bố nhóm này tìm cách tổ chức việc phân phát vũ khí của nước ngoài cho các tay súng nổi dậy Syria thông qua hội đồng quân sự mới thành lập nói trên.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Paris, người đứng đầu SNC, Burhan Ghalioun cho biết một số quốc gia "đã bày tỏ mong muốn vũ trang cho lực lượng cách mạng Syria" và SNC, thông qua hội đồng quân sự của mình, muốn điều hành hoạt động này nhằm tránh để các nước phải trực tiếp cung cấp vũ khí.

Ngoài ra, ông Galiun cho biết thêm SNC sẽ "sát cánh" cùng FSA và các nhóm đào ngũ khác.

Trong một diễn biến khác, Quốc hội Kuwait ngày 1/3 tuyên bố sẽ ủng hộ FSA, đồng thời kêu gọi Chính phủ Kuwait cắt quan hệ với Tổng thống Syria al-Assad./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục