Vị thế của nữ giới chưa cải thiện trong nghị trường

Mặc dù năm 2011 đã có nhiều thay đổi chính trị lớn, song vị thế của người phụ nữ trong nghị trường các nước vẫn chưa được cải thiện.
Mặc dù năm 2011 đã có nhiều thay đổi chính trị lớn ở nhiều khu vực trên thế giới, song vị thế của người phụ nữ trong nghị trường các nước vẫn chưa được cải thiện và cộng đồng quốc tế vẫn thiếu ý chí chính trị, đồng thời bỏ lỡ nhiều cơ hội để thay đổi hiện trạng của phụ nữ trên toàn cầu.

Đây là nhận định trong nghiên cứu thường niên về sự tham gia chính trị của phụ nữ của Liên minh Liên nghị viện thế giới (IPU), được công bố ngày 2/3.

Nghiên cứu của IPU và Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) cho biết tỷ lệ trung bình nữ nghị sĩ tại các nước trong năm qua là 19,5%, chỉ tăng 0,5% so với năm 2010. Thực tế này cho thấy tiến bộ không đáng kể trong nỗ lực cân bằng giới trong quốc hội các nước.

Tỷ lệ nữ nghị sĩ trong các quốc hội châu Á năm 2011 vẫn ở mức 18%, không thay đổi so với năm 2010, trong khi tỷ lệ này ở châu Mỹ là 22,7% , ở khu vực Nam sa mạc Sahara của châu Phi là 20,2%.

Tổng Thư ký IPU, ông Anders B. Johnsson, cảnh báo rằng những số liệu thống kê về tỷ lệ nữ giới trong các quốc hội các nước là đáng lo ngại và khó lý giải trong bối cảnh nhu cầu lớn về phát triển nguồn nhân lực ở mỗi nước cũng như trên toàn cầu.

Tỷ lệ đại diện của phụ nữ giảm mạnh trong quốc hội ở nhiều nước Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh, đặc biệt tỷ lệ phụ nữ trong quốc hội Ai Cập đã giảm từ 12,7% xuống 2% trong năm 2011. Tỷ lệ phụ nữ trong các quốc hội các nước Arập chỉ đạt 10,7%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của thế giới.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Tổng Giám đốc UN Women, bà Michelle Bachelet, kêu gọi các nước cần có ý chí chính trị lớn hơn để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các tiến trình chính trị và đây cũng là ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự của UN Women.

IPU và UN Women nhấn mạnh các số liệu mới về sự tham gia chính trị của phụ nữ toàn cầu cho thấy phụ nữ có thể thành công trong bầu cử nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại hơn nam giới. Vì vậy, các nước cần thúc đẩy các giải pháp khẩn cấp và thực tiễn cùng với quyết tâm chính trị cao để giúp phụ nữ vượt qua các trở ngại này.

Tuy nhiên, nghiên cứu của IPU và UN Women nêu bật thành công của phụ nữ trong các cơ quan hành pháp ở nhiều nước trên thế giới. Số phụ nữ là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ vào năm 2011 là 17, tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2005.

Tỷ lệ nữ bộ trưởng trên toàn cầu cũng đã tăng từ 14,2% năm 2005 lên 16,7% năm 2012. Số nữ bộ trưởng ở châu Mỹ tăng nhanh nhất từ 17,3% năm 2005 lên 21,4% năm 2012, châu Phi đứng thứ 2 (tăng từ 16,3% năm 2005 lên 20,4% năm 2012).

Con số này ở châu Á là 8,3%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình toàn cầu. Tỷ lệ phụ nữ là bộ trưởng đặc biệt cao ở các nước Bắc Âu với tỷ lệ tăng từ 42,4% năm 2005 lên 48,4% năm 2012.

Tuy nhiên, nghiên cứu của IPU và UN Women cho biết phụ nữ giữ chức bộ trưởng tại các nước chủ yếu trong các lĩnh vực xã hội, gia đình, thanh niên, giáo dục và các vấn đề phụ nữ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục