UBTVQH giám sát thực thi chính sách người có công

Tại phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao ban hành Nghị quyết giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về người có công.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 7, sáng 13/4, với sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng."

Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phạm Thị Hải Chuyền và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan.

Báo cáo kết quả giám sát, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát cho biết: Phạm vi giám sát tập trung vào việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng từ năm 2005 đến nay.

Qua giám sát cho thấy, cùng với sự phát triển của đất nước, các chính sách ưu đãi đối với người có công đã từng bước được hoàn thiện, tương đối toàn diện, bao phủ hầu hết các đối tượng người có công. Về cơ bản, các chính sách ưu đãi bảo đảm công bằng và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Mức trợ cấp ưu đãi người có công thường xuyên được điều chỉnh phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Ngoài chính sách trợ cấp ưu đãi còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, miễn, giảm thuế... Có thể nói, các đối tượng người có công đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Đoàn giám sát nhận định về cơ bản, đời sống của người có công ổn định và từng bước được cải thiện, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân nói chung và của người có công nói riêng trong sự nghiệp phát triển của đất nước. Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận người có công còn gặp khó khăn do không còn sức lao động, không có nguồn thu nhập ổn định. Sự giúp đỡ của xã hội chưa đủ để họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện chính sách ưu đãi người có công đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc về chính sách và tổ chức thực hiện.

Đoàn giám sát đã đề xuất nhiều kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tăng cường hơn nữa việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công, góp phần đảm bảo công bằng xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để người có công xây dựng cuộc sống, tiếp tục khẳng định vai trò trong cộng đồng xã hội.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công trước hết phải đảm bảo để đồng bào được ăn no, mặc ấm, có nhà ở, con em được học hành, người ốm đau được chữa bệnh. Cần tính toán đẩy nhanh hơn tiến độ hoàn thành việc hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở trên cơ sở các cơ chế, chính sách đã ban hành; khẩn trương trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả giám sát, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đề cập tương đối toàn diện các khía cạnh, phản ánh khá chi tiết, rõ ràng và đầy đủ tình hình cũng như những hạn chế, bất cập của hệ thống chính sách, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện đồng thời, đề xuất những kiến nghị sát thực tế, đúng với tâm tư, nguyện vọng của người có công. Kết quả giám sát khẳng định chính sách ưu đãi người có công thực sự là chính sách lớn, có ý nghĩa sâu sắc và quan trọng nhất trong các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước.

Về cơ bản, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thường xuyên quan tâm tổ chức thực hiện, giám sát, tuyên truyền, phổ biến, huy động mọi nguồn lực xã hội chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công và thân nhân, góp phần bảo đảm công bằng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Phong trào đền ơn đáp nghĩa, toàn dân tham gia chăm sóc người có công phát triển sâu rộng, đạt hiệu quả thiết thực...

Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu cũng đề nghị cần nhanh chóng và nghiêm túc khắc phục những hạn chế, bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng; xử lý nghiêm một số hiện tượng tiêu cực. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn thiện Báo cáo giám sát, nhất là các nội dung kiến nghị để trình Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công cần được thực hiện nghiêm túc, nghiêm chỉnh và thống nhất với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, quyết tâm chính trị cao.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trên cơ sở kiến nghị của Đoàn giám sát và các ý kiến thảo luận tại phiên họp, rà soát, điều chỉnh, bổ sung ban hành các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền cho phù hợp. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương xử lý một số vấn đề như sửa đổi tiêu chí xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam; hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong xử lý các hồ sơ tồn đọng; giảm bớt phiền hà về thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu mức chuẩn trợ cấp ưu đãi phù hợp với điều kiện hiện nay đồng thời, tích cực thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính liệt sỹ; coi đây là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước; sớm triển khai Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ các cấp chính quyền địa phương cần đề cao trách nhiệm trong thực hiện chính sách, pháp luật về người có công; coi trọng hơn nữa công tác tuyên truyền; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công. Trong đó, tập trung các nội dung: Công nhận người có công; nâng cao mức sống, giải quyết nhà ở cho người có công; rà soát, giải quyết các vấn đề tồn đọng; trách nhiệm của các bộ, ngành hữu quan và các địa phương; giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể./.
 
Thanh Hòa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục